Theo phóng viên TTXVN tại New York, người Mỹ đã chi tiêu khá nhiều cho việc mua sắm ở các cửa hiệu và salon xe hơi trong tháng Sáu sau khi nhiều bang đã mở lại toàn bộ hoặc một phần các hoạt động kinh tế.
Doanh số bán lẻ tăng trong tháng Sáu do nhiều người tiêu dùng ồ ạt ra đường chi mua sắm ô tô, đồ nội thất, quần áo và đồ điện tử sau một thời gian dài bị phong tỏa tại nhà.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng với số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng trở lại gần đây, rất có thể xu hướng mua sắm đang gia tăng này sẽ bị chững lại, nhất là trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh trong nhà như nhà hàng, các rạp chiếu phim, nhà hát hay trung tâm tập luyện thể hình, thể thao vẫn chưa được phép mở trở lại.
Số liệu theo dõi thị trường của nhiều công ty cho thấy doanh số bán lẻ tháng Bảy sẽ không duy trì được đà tăng như vậy. Theo quan sát của nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn Tài chính Khu vực, ông Richard Moody, doanh số bán lẻ trực tuyến trên các trang lớn, bao gồm cả Amazon, trong tháng Sáu giảm 2,4% đã cho thấy người tiêu dùng đã "lao tới" các cửa hàng để mua sắm trực tiếp ngay khi lệnh phong tỏa được nới lỏng.
Báo cáo bán lẻ cho thấy chi tiêu mua xăng dầu trong tháng Sáu tăng 15,3% và chi tiêu tại các quán ăn và bars tăng 20% so với tháng Năm. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 16/7 này chưa đề cập số liệu chi tiêu cho các ngành dịch vụ, ví dụ như chi cho ngành y tế và khách sạn, mà đây lại là những ngành chiếm một tỷ trọng lớn trong doanh số bán lẻ tại Mỹ.
Theo báo Wall Street Journal số ra ngày 16/7, các biện pháp kích thích của chính phủ như tăng mức bảo hiểm thất nghiệp cho những người lao động bị buộc nghỉ việc trong đại dịch cũng góp phần khiến mức chi cho tiêu dùng tăng lên.
So với tháng Sáu- 2019, doanh số bán lẻ tháng Sáu -2020 tăng 1,1% và đây cũng là tháng ghi nhận tăng đầu tiên kể từ tháng Ba-2020 khi đại dịch bùng phát và kéo theo nhiều hoạt động kinh tế tại Mỹ bị tê liệt.
Ông Marshal Cohen, cố vấn của hãng nghiên cứu thị trường NPD Group, Inc cho rằng doanh số bán lẻ tháng Sáu tăng được bởi nhiều khoản chi người tiêu dùng không thể tiêu vào các hoạt động giải trí như xem nhạc hay đi trại hè nên họ lại chi vào mua sắm các mặt hàng vật chất như TVs hay máy tập gym.
Giám đốc chương trình nghiên cứu bán lẻ tại trường Kinh doanh thuộc ĐH Columbia, ông Mark Cohen, nhận định rằng tình hình đại dịch diễn biến khó lường sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đối với các công ty bán lẻ, nhất là trong thời gian tới khi Chính phủ Mỹ dừng trợ cấp thất nghiệp do đại dịch (hiện ở mức 600 USD mỗi tuần cho một người Mỹ thất nghiệp) kể từ ngày 31/7 tới. Ví dụ, dữ liệu trên OpenTable, một website chuyên đặt trước quán ăn, cho thấy số người đặt bàn ăn trực tuyến đã chững lại gần đây sau một thời gian nhúc nhắc tăng trở lại trong tháng Năm và tháng Sáu.
Chi cho tiêu dùng vốn là động lực chính của nền kinh tế Mỹ, trong đó doanh thu bán lẻ chiếm tới 1/4 tổng chi tiêu dùng của người Mỹ.