Mỹ đánh giá tích cực về kết quả đàm phán với Iran

Ngày 25/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mô tả cuộc đàm phán gần đây nhất giữa Washington và Tehran về chương trình hạt nhân của Iran là "rất tốt đẹp".

Chú thích ảnh
Phái đoàn của Iran, do Ngoại trưởng Abbas Araqchi (trái) dẫn đầu, tới vòng đàm phán thứ 5 với phái đoàn Mỹ tại Đại sứ quán Oman ở Rome, Italy ngày 23/5/2025. Ảnh: IRNA/TTXVN

Phát biểu với báo giới, ông Trump cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta có thể có một số tin tốt về vấn đề Iran". Ông ca ngợi "tiến triển thực sự, tiến triển nghiêm túc" sau vòng đàm phán hạt nhân thứ 5 diễn ra tại Rome (Italy) kết thúc vào ngày 23/5 vừa qua.

Vòng đàm phán do Oman làm trung gian, bắt đầu vào tháng 4, là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2018, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump. Kể từ khi trở lại nhiệm sở, ông Trump đã khôi phục chiến dịch "gây sức ép tối đa" đối với Iran, ủng hộ các cuộc đàm phán song cảnh báo sẽ có hành động quân sự nếu ngoại giao thất bại.

Sau vòng đàm phán vừa qua, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, cũng là nhà đàm phán chính, nhận định "các cuộc đàm phán quá phức tạp để có thể giải quyết trong 2-3 cuộc họp". Về phần mình, Ngoại trưởng Oman Badr Albusaidi bày tỏ hy vọng "các vấn đề còn lại sẽ được làm rõ trong những ngày tới”.

Vòng đàm phán trên diễn ra trước cuộc họp vào tháng 6 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) xem xét các hoạt động hạt nhân của Iran. Hiện Iran đang làm giàu urani đến mức 60% - cao hơn nhiều so với mức giới hạn 3,67% theo JCPOA nhưng thấp hơn mức 90% cần để tạo ra một đầu đạn hạt nhân.

Cũng trong ngày 25/5, phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn báo Jerusalem Post, cho biết nhóm E3 (gồm Anh, Đức, Pháp) cảnh báo Iran đang cố tình kéo dài các cuộc đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới, nhằm cản trở khả năng áp đặt trừng phạt nếu không đạt được thỏa thuận.

Theo JCPOA, các bên tham gia có quyền áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đối với Iran thông qua một cơ chế kích hoạt nhanh (snapback), nhằm đáp trả những vi phạm nghiêm trọng đối với các cam kết hạt nhân. Tuy nhiên, cơ chế này sẽ không còn hiệu lực sau tháng 10 tới, thời điểm JCPOA hết hiệu lực. Khi đó Iran được tự do rời khỏi thỏa thuận. 

E3 nhấn mạnh nếu không đạt được một thỏa thuận hạt nhân "ý nghĩa" mới trong tháng 5, họ sẽ kích hoạt cơ chế trực phạt nghiêm khắc đối với Iran.  

Trong phản ứng của mình ngày 25/5, Ngoại trưởng Iran Araghchi cảnh báo: "Nếu các nước châu Âu kích hoạt cơ chế snapback, Iran sẽ đáp trả mạnh mẽ".

Bích Liên - Thanh Bình (TTXVN)
Giá dầu thế giới 'về bờ' khi lo ngại đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran gia tăng
Giá dầu thế giới 'về bờ' khi lo ngại đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran gia tăng

Thị trường dầu thế giới trải qua một tuần đầy biến động, với các phiên tăng giảm đan xen do ảnh hưởng từ bất ổn địa chính trị và các thông tin trái chiều về nguồn cung. Tuy nhiên, phiên cuối tuần ngày 23/5 đã chứng kiến giá dầu tăng nhẹ nhờ lực mua kỹ thuật trước kỳ nghỉ lễ dài ngày tại Mỹ và những tín hiệu không mấy lạc quan về đàm phán giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Tây Á. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN