Quy trình đảo ngược này cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 tham gia ký thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran có quyền đề xuất áp lại các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran nếu như nước này không tuân thủ các điều khoản đã nhất trí trong thỏa thuận. Sau khi nhận được đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong HĐBA sẽ có 10 ngày để đưa ra quyết định có chấp thuận hay không. Trong trường hợp các bên không nhất trí được, các lệnh trừng phạt Iran sẽ tự động được kích hoạt sau 30 ngày kể từ khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị.
Trong thư chuyển tới nước Chủ tịch luân phiên của HĐBA trong tháng 8 là Indonesia, Ngoại trưởng Pompeo thông báo về việc Iran không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân 2015, nguyên nhân khiến Mỹ quyết định khởi động “quy trình đảo ngược”. Trước đó, vào tháng 5/2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn cho rằng họ có quyền khởi động cơ chế này.
Mỹ quyết định tiến hành bước đi trên sau khi không được HĐBA thông qua nghị quyết kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran trong cuộc họp hôm 14/8 vừa qua. Lệnh cấm vận này sẽ hết hạn vào ngày 18/10 tới. Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, Washington không chỉ muốn tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt Iran mà còn yêu cầu Tehran phải ngừng tất cả các hoạt động liên quan tới làm giàu urani.
Trong phản ứng mới nhất trước các hành động gia tăng sức ép của Mỹ đối với Iran, Bộ Ngoại giao Nga ngày 20/8 khẳng định sẽ không chấm dứt hợp tác với Iran bất chấp động thái của Mỹ. Bộ Ngoại giao Iran cũng đã gửi thư ngỏ tới HĐBA kêu gọi các nước thành viên phản đối hành động của Washington. Bức thư nhấn mạnh Mỹ không có quyền kích hoạt cơ chế tái áp đặt trừng phạt Iran.