Trong một thông báo mới đưa ra, Tổng chưởng lý Keith Ellison cam kết sẽ thực hiện nhiệm vụ với "sự nghiêm túc cao nhất" đồng thời sẽ huy động nguồn lực cần thiết để đảm bảo tính công bằng. Ông Ellison sẽ phối hợp với công tố viên hạt Hennepin Mike Freeman trong quá trình truy tố. Hôm 29/5, ông Mike Freeman công bố cáo trạng nêu rõ Derek Chauvin - một cựu sĩ quan cảnh sát thành phố Minneapolis liên quan đến cái chết của nạn nhân George Floyd - bị buộc tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát. Trước đó, ông Freeman đã đề nghị ông Ellison hỗ trợ trong quá trình truy tố.
Cũng trong ngày 31/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính phủ nước này sẽ liệt tổ chức chống phát xít Antifa (Anti-Fascist) vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tuyên bố được ông Trump đưa ra trên mạng xã hội Twitter trong bối cảnh làn sóng biểu tình bùng nổ ở nhiều nơi trên cả nước Mỹ sau vụ công dân da màu George Floyd tử vong. Một số quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ, trong đó có cả Bộ trưởng Tư pháp William Barr, cho rằng Antifa và "những kẻ kích động" khác đứng sau các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố ở Mỹ. Trong thông báo hôm 31/5, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khẳng định tình trạng biểu tình bạo lực do Antifa và các nhóm tương tự xúi giục và thực hiện là hành động khủng bố trong nước và sẽ bị xử lý đúng theo pháp luật. Ông Barr cũng tuyên bố sẽ huy động các lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố để bắt giữ và buộc tội những người tham gia các cuộc đụng độ bạo lực.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người trong số những người biểu tình trên toàn quốc là thành viên của Antifa. Các chuyên gia cho biết Antifa không phải là một tổ chức cụ thể mà hiện vẫn là một phong trào chưa thực sự được định hình. Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/5, lãnh đạo Cơ quan An ninh công cộng Minnesota John Harrington cho biết khoảng 20% số người bị bị bắt trong cuộc biểu tình cùng ngày không phải cư dân của bang này. Khả năng chính quyền Washington chính thức kích hoạt các quy trình đưa Antifa vào danh sách khủng bố chưa rõ ràng và quy trình này cũng đòi hỏi sự phối hợp từ nhiều cơ quan liên bang. Các chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump không đủ thẩm quyền pháp lý để thực hiện tuyên bố trên.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, các nhà chức trách cho rằng các nhóm có tổ chức đang tìm cách phá hoại tài sản và gây ra bạo lực với vỏ bọc là các cuộc biểu tình hợp pháp. Những nhóm cực đoan trong nước bao gồm những người vô chính phủ, các nhóm chống chính phủ thường liên quan đến những kẻ cực đoan cực hữu và cực tả hay chủ nghĩa “thượng tôn da trắng”... Bên cạnh đó, Cục điều tra Liên bang (FBI) và các cơ quan khác cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương để theo dõi các nhóm từ cả phe cực hữu và phe cực tả liên quan đến các cuộc bạo loạn và tấn công cảnh sát, bằng việc giám sát những động thái kêu gọi biểu tình bạo lực trên các phương tiện truyền thông xã hội và các loại hình thông tin liên lạc khác.
Các cuộc biểu tình đã xảy ra trên toàn nước Mỹ trong 6 ngày qua xuất phát từ vụ công dân George Floyd tử vong sau khi bị 4 cảnh sát Mỹ bắt giữ. Tính tới thời điểm này, hàng chục thành phố tại Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm và các thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 15 bang và thủ đô Washington. Vụ việc không chỉ làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Mỹ mà còn một số nước như Canada, Anh và Đức. Đêm 31/5 (giờ địa phương), biểu tình biến thành bạo động tại nhiều nơi, đặc biệt tại khu vực xung quanh Nhà Trắng bất chấp lệnh giới nghiêm được đưa ra trước đó khiến lực lượng an ninh phải sử dụng các biện pháp mạnh để trấn áp. Trước tình trạng trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump trên trang Twitter liên tục kêu gọi người biểu tình tuân thủ luật pháp và trật tự, đồng thời kêu gọi các quan chức thành phố và tiểu bang "cứng rắn" với người biểu tình.