Mỹ cảnh báo hậu quả nếu hòa đàm Trung Đông thất bại

Mặc dù vẫn bày tỏ tin tưởng các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine sẽ thu được kết quả, nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 7/11 đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát làn sóng bạo lực nếu tiến trình mới được khởi động lại cách đây ba tháng này không tiến triển hoặc bị thất bại.

Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn chung với các kênh truyền hình của Israel và Palestine trước khi rời Jerusalem tiếp tục chuyến thăm Trung Đông, Ngoại trưởng Kerry đã cảnh báo đồng minh Israel rằng nhà nước Do Thái này sẽ bị cộng đồng quốc tế cô lập và có nguy cơ phải hứng chịu một làn sóng "intifada" thứ ba nếu để đàm phán hòa bình với Palestine đổ vỡ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: AFP/TTXVN


Cuộc "intifada" (nổi dậy) lần đầu tiên của người Palestine phản đối sự chiếm đóng của Israel là từ năm 1987 đến 1993. Lần thứ hai là từ cuối năm 2000 đến 2005 mà các tổ chức nhân quyền ước tính khoảng 3.000 người Palestine cùng 1.000 người Israel thiệt mạng vì bạo lực.

Ông Kerry đưa ra nhận định trên sau nhiều cuộc gặp riêng rẽ với Thủ tướng Israeli Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận giữa hai bên vẫn còn nhiều trở ngại, nhưng bày tỏ lạc quan và hy vọng khi Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Abbas đều cam kết tiếp tục tiến trình hòa đàm.

Sau cảnh báo trên, ông Kerry tiếp tục chuyến công du con thoi tới Jordan nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ Quốc vương Abdullah II. Phát biểu với báo giới trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp bên phía Jordan, Nasser Judeh, Ngoại trưởng Kerry cho biết các cuộc gặp với Israel và Palestine đã đạt được một số tiến bộ trong vài vấn đề. Ngoại trưởng Kerry bác bỏ ý tưởng chỉ đặt mục tiêu đạt được một thỏa thuận tạm thời giữa Israel và Palestine, đồng thời kêu gọi song phương nghiêm túc hơn với nỗ lực hòa bình mới. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng khẳng định lại mục tiêu đến tháng 4/2014 sẽ ký được hiệp định hòa bình lâu dài giữa Palestine và Israel.

Với những khó khăn đã thừa nhận, ông Kerry có kế hoạch sẽ gặp lại Tổng thống Abbas một lần nữa tại Amman vào tối 7/11, sau đó ngày 8/11 sẽ trở lại Jerusalem tiến hành cuộc gặp lần thứ ba với Thủ tướng Netanyahu. Mâu thuẫn lớn nhất hiện nay là người Palestine muốn thành lập một nhà nước độc lập ở Bờ Tây, Đông Jerusalem, Dải Gaza và các vùng lãnh thổ Israel đang chiếm giữ sau cuộc chiến năm 1967. Phía Palestine nói rằng họ sẵn sàng điều chỉnh tuyến biên giới trên đây để cho phép Israel giữ lại một số khu định cư ở Bờ Tây, coi đây là một hành động đổi đất lấy hòa bình. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Netanyahu vẫn một mực phản đối việc rút về các đường biên giới trước cuộc chiến năm 1967, đồng thời từ chối chia sẻ quyền kiểm soát đối với khu vực Đông Jerusalem.

Trong một diễn biến khác, phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn các nguồn tin từ Quốc hội Israel ngày 7/11 cho biết lãnh đạo đảng Yisrael Beytenu, Avigdor Liberman, người vừa thoát khỏi các cáo buộc tham nhũng, sẽ được bổ nhiệm lại làm Ngoại trưởng Israel và dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào ngày 11/11 tới. Sự trở lại của ông Liberman nhận được sự chào mừng của nhiều quan chức lãnh đạo Israel, song các nhà phân tích đánh giá rằng việc chính trị gia cực hữu này được phục chức sẽ ảnh hưởng phần nào đến tiến trình hòa đàm Trung Đông.


TTXVN/Tin tức

Ngoại trưởng Mỹ nỗ lực cứu vãn hòa đàm Trung Đông
Ngoại trưởng Mỹ nỗ lực cứu vãn hòa đàm Trung Đông

Trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tiến hành các nỗ lực ngoại giao con thoi giữa các nhà lãnh đạo Israel và Palestine trong nỗ lực cứu vãn tiến trình đàm phán hòa bình khu vực đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN