Phát biểu với báo giới tại thủ đô Vilnius ngày 9/5, hai quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết việc triển khai khẩu đội tên lửa Patriot là một phần của kế hoạch tập trận phòng thủ trên không đa quốc gia vào tháng 7 tới mang tên "Di sản Tobruk". Một quan chức nhấn mạnh rằng kế hoạch triển khai này sẽ chỉ là tạm thời và khẩu đội tên lửa sẽ được đưa trở lại Mỹ sau khi tập trận kết thúc.
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, tại buổi họp báo chung với Tổng thống Lítva Dalia Grybauskaite, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từ chối bình luận về khả năng triển khai thường trực tên lửa Patriot tại Lítva. Ông chủ Lầu Năm Góc tuyên bố mọi quyết định liên quan sẽ được thực hiện trên cơ sở tham vấn với Chính phủ Lítva, đồng thời nhấn mạnh sự triển khai quân sự của NATO trong khu vực chỉ mang mục đích phòng thủ.
Về phần mình, Tổng thống Grybauskaite cho hay Vilnius cần "tất cả các phương tiện phòng thủ và đánh chặn cần thiết" và Lítva cần thảo luận cụ thể hơn để quyết định các phương tiện cụ thể đó là gì.Bộ trưởng Mattis đang có mặt ở Litva để thăm một nhóm binh sỹ Đức, Hà Lan và Bỉ đang huấn luyện tại một cơ sở huấn luyện gần thủ đô Vilnius.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Nga đang chuẩn bị cho cuộc tập trận Zapas 2017 tại Belarus vào tháng 9 tới. Moskva chưa công bố số lượng binh sĩ sẽ tham gia vào cuộc tập trận, song truyền thông phương Tây đồn đoán con số có thể lên tới 100.000 quân và chương trình diễn tập sẽ bao gồm cả huấn luyên vũ khí hạt nhân. NATO cho rằng các cuộc tập trận của Nga là mối đe dọa đối với khối này trong khi Moskva bác bỏ mọi cáo buộc và tuyên bố chính sự hiện diện của liên minh do Mỹ dẫn đầu tại khu vực mới đang đe dọa ổn định ở Đông Âu.
Hồi đầu tháng 3/2017, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại châu Âu, Trung tướng Ben Hodges đã kêu gọi Nga cho phép các quan sát viên tham gia cuộc tập trận Zapad 2017. Theo tướng Hodges, cuộc tập trận Zapad là cơ hội cho người Nga thể hiện rằng họ nỗ lực vì an ninh và ổn định ở châu Âu thông qua sự minh bạch. Trong cuộc tập trận Zapad 2013, Nga cho biết số lượng binh sĩ tham gia là 10.000 người, tuy nhiên giới quan sát quốc phòng cho rằng con số thực tế binh lính tham gia cuộc tập trận vào năm đó lên tới 70.000 người.
Quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây ngày càng leo thang kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Nga đã tiến hành nhiều cuộc tập trận lớn nhằm đối phó với kế hoạch của NATO triển khai quân áp sát biên giới Nga, cũng như việc Mỹ "kích hoạt" một phần "lá chắn tên lửa" đặt tại một số nước Đông Âu.