Theo EPA, các quy định mới đặt ra các tiêu chuẩn khí thải ống xả cho các dòng xe hạng nặng sản xuất từ năm 2027 đến năm 2032, bao gồm xe tải giao hàng, xe chở rác, xe tải tiện ích công cộng, xe buýt trung chuyển, xe đưa đón, xe buýt trường học và xe đầu kéo rơ-moóc. Các quy định này cho phép nhà sản xuất lựa chọn bộ công nghệ kiểm soát khí thải phù hợp nhất với họ và nhu cầu của khách hàng.
Việc áp dụng các quy định về khí thải với xe hạng nặng này có thể giúp ngăn chặn 1 tỷ tấn khí thải nhà kính và mang lại các khoản phúc lợi xã hội 13 tỷ USD mỗi năm. Các phương tiện hạng nặng chiếm 25% lượng phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải và khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Mỹ.
Quy định về mức giới hạn phát thải ống xả hiện tại được ban hành vào năm 2026, áp dụng đối với các phương tiện hạng nặng sản xuất từ năm 2021 đến năm 2027. Tuần trước, EPA đã hoàn thiện các quy định về phát thải đối với các phương tiện hạng nhẹ và hạng trung cho đến năm 2032, cắt giảm mục tiêu đạt tỷ lệ xe điện của Mỹ từ 67% vào năm 2032 xuống chỉ còn 35%.
Trước đó, Mỹ ngày 27/3 đã cập nhật các quy định mà nước này cho rằng sẽ giảm sự lãng phí khí đốt tự nhiên. Cục Quản lý đất đai Mỹ (BLM) cho biết, việc điều chỉnh các quy định có từ hơn 40 năm qua sẽ buộc các công ty dầu khí phải chịu trách nhiệm tránh các hoạt động lãng phí nhiên liệu. Khí tự nhiên chủ yếu bao gồm khí methane, nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 hiện tượng ấm lên của Trái Đất do khí nhà kính.
BLM cho biết trong một thông cáo báo chí, theo các quy định, các công ty dầu khí sẽ phải chịu trách nhiệm tránh các hoạt động lãng phí và giảm rò rỉ khí đốt tự nhiên, đồng thời lưu ý rằng việc tiết kiệm khí đốt sẽ cung cấp thêm năng lượng cho các gia đình và ngành công nghiệp của Mỹ.
BLM cho biết các hoạt động giải phóng hoặc đốt khí tự nhiên dư thừa đã tăng hơn gấp đôi kể từ những năm 1980 cùng với sự gia tăng sản xuất năng lượng. Cơ quan này nói thêm rằng, từ năm 2010 đến năm 2020, tổng lượng khí tự nhiên bị lãng phí được báo cáo trên toàn nước Mỹ đủ phục vụ nhu cầu của hơn 675.000 ngôi nhà.
Giám đốc BLM, Tracy Stone-Manning, cho biết: “Quy tắc này thể hiện một giải pháp hợp lý, công bằng và hợp lý để ngăn chặn tình trạng lãng phí, mang lại một sân chơi bình đẳng cho tất cả các cộng đồng sản xuất năng lượng”.
Hồi tháng 12/2023, EPA đã ban hành các quy định riêng nhằm giảm lượng khí thải methane từ các hoạt động dầu khí. Các tiêu chuẩn mới tìm cách đáp ứng yêu cầu loại bỏ tình trạng đốt khí tự nhiên ở các giếng dầu và yêu cầu giám sát toàn diện tình trạng rò rỉ khí methane từ các giếng và trạm nén.
EPA ước tính điều này sẽ ngăn chặn khoảng 58 triệu tấn khí thải methane từ năm 2024 đến năm 2038, tương đương với 1,5 tỷ tấn CO2.
Trong khi đó, số liệu tổng hợp mới công bố cho thấy vào năm 2023, lượng khí CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch do Liên minh châu Âu (EU) tạo ra đã giảm khoảng 8% so với năm 2022, giúp đẩy lượng khí thải loại này của khối xuống mức thấp nhất trong 60 năm.
Theo phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (Crea), mức giảm nêu trên là mức giảm hàng năm mạnh nhất kể từ sau năm 2020, khi các chính phủ đóng cửa các nhà máy và đình chỉ các chuyến bay để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Báo cáo cho thấy hơn một nửa lượng khí thải giảm tại EU là nhờ khối này sử dụng điện từ các nguồn sạch hơn. Theo dữ liệu của ngành, EU đã lắp đặt số lượng tấm pin Mặt Trời và tua-bin gió cao kỷ lục vào năm 2023, đồng thời có thể tạo ra nhiều điện hơn từ các đập và nhà máy điện hạt nhân từng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và tạm đóng cửa để sửa chữa vào năm trước.
Cũng theo báo cáo, nhu cầu điện thấp hơn nhờ thời tiết thuận lợi đã góp phần làm giảm 8% lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch. Việc cắt giảm khí thải trong các lĩnh vực như công nghiệp và vận tải chiếm 36%.
Tuy nhiên, các số liệu này không bao gồm các lĩnh vực như nông nghiệp, các quy trình như sản xuất xi măng hoặc các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác như metan. Các nhà phân tích cho rằng lượng khí thải nói chung vẫn đang giảm quá chậm.
Chuyên gia Sarah Brown thuộc tổ chức tư vấn năng lượng sạch Ember cho biết, sự suy giảm đáng kể lượng khí thải của EU - đặc biệt là từ ngành điện - cho thấy khối này đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch vốn đắt đỏ và nhiều rủi ro. Nhưng trong bối cảnh nhu cầu điện dự kiến sẽ tiếp tục tăng do xu hướng điện khí hóa mở rộng trong những năm tới, việc triển khai năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng phải theo kịp tốc độ chuyển đổi này.
Để góp phần kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu, EU đã cam kết sẽ cắt giảm 55% lượng khí gây ô nhiễm vào cuối thập kỷ này so với mức của năm 1990, trước khi đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Còn theo dữ liệu chính thức công bố gần đây, những nỗ lực hiện tại của hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính sẽ không đủ để hoàn thành mục tiêu của chính phủ vào cuối thập kỷ này.
Liên đoàn Chuyển đổi Xanh (GX League) gần đây đã công bố các mục tiêu giảm phát thải của 372 công ty tham gia diễn đàn. Theo đó, với mục tiêu hiện tại, 372 doanh nghiệp này sẽ giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức 480 triệu tấn vào cuối năm tài chính 2030, tương đương mức giảm 40% so với 800 triệu tấn khí thải trong năm tài chính 2013. Điều này đồng nghĩa với việc không đạt được mục tiêu 46% mà Chính phủ Nhật Bản đã đề ra.
Hiện tại, có 568 công ty đang tham gia vào GX League và dự kiến sẽ có thêm nhiều mục tiêu giảm phát thải được đưa ra. Hầu hết các thành viên tham gia đều làm việc trong lĩnh vực sản xuất hoặc năng lượng, trong khi tỷ lệ tham gia của ngành vận tải tương đối thấp đã góp phần tạo ra sự mất cân đối giữa các ngành.
Các doanh nghiệp điện tử nằm trong số những công ty có mục tiêu tham vọng nhất, điển hình như Hitachi đặt mục tiêu giảm 93% lượng khí thải nhà kính và Panasonic Holdings đặt mục tiêu cắt giảm 90%. Trong số các công ty điện lực, Kansai Electric Power kỳ vọng giảm 70 % lượng khí thải, trong khi tập đoàn JERA - chiếm khoảng 1/10 lượng khí thải của cả nước, đặt mục tiêu giảm 52%. Toyota Motor, Nissan Motor và Honda Motor mỗi hãng đều đặt mục tiêu giảm 46% lượng khí thải theo mức chung của chính phủ thông qua việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Mặc dù ngành sản xuất vật liệu là ngành phát thải lớn nhưng hầu hết các công ty trong lĩnh vực này đều đặt mục tiêu thấp hơn mục tiêu của chính phủ do thiếu công nghệ để cắt giảm khí thải trong quá trình sản xuất. Điển hình là ngành thép - chịu trách nhiệm cho 40% lượng khí thải trong ngành công nghiệp của Nhật Bản, nhưng công ty lớn nhất là Nippon Steel chỉ cắt giảm 29% lượng khí thải. Hiện chính phủ đang hỗ trợ các nhà sản xuất thép nhằm thúc đẩy ứng dụng thực tế quy trình sản xuất thép giảm lượng hydro và các quy trình thế hệ tiếp theo.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 và chìa khóa để đạt được mục tiêu đó là giảm 46% lượng khí nhà kính vào năm tài chính 2030.