Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới liên quan hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran 

Ngày 29/9, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những công ty mà nước này cho rằng liên quan tới việc mua sản phẩm dầu mỏ và hóa dầu của Iran.

Chú thích ảnh
Quang cảnh bên ngoài cơ sở hạt nhân Bushehr ở Iran. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Động thái trên được thực hiện trong bối cảnh Washington cảnh báo sẽ hành động mạnh mẽ hơn nữa để thắt chặt các biện pháp hạn chế kinh tế đối với Tehran, trong bối cảnh nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân đang bế tắc. 

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Washington áp đặt trừng phạt đối với 2 công ty có trụ sở tại Trung Quốc là Zhonggu Storage & Transportation Co. Ltd và WS Shipping Co. Ltd nhằm ngăn chặn việc lách các lệnh trừng phạt trong hoạt động bán các sản phẩm hóa dầu và dầu mỏ của Iran.

Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt trừng phạt đối với một mạng lưới các công ty liên quan tới hoạt động mà Washington coi là bán các sản phẩm dầu mỏ và hóa dầu của Iran trị giá hàng trăm triệu USD cho người tiêu dùng tại Đông và Nam Á.

Các biện pháp trừng phạt này nhằm vào các bên trung gian Iran và công ty bình phong tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Ấn Độ.

Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: "Những hành động này sẽ được duy trì thường xuyên, với mục tiêu hạn chế đáng kể hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm hóa dầu của Iran".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran khẳng định rằng yếu tố "đảm bảo tin cậy" là đặc biệt quan trọng đối với Tehran trong các cuộc đàm phán về việc khôi phục JCPOA. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh công cộng quốc gia Mỹ (NPR), được đăng tải nội dung trên website của Bộ Ngoại giao Iran ngày 29/9, ông Hossein Amir-Abdollahian nêu rõ: "Tình hình hiện tại do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo nên. Và cũng giống như ông Trump, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã áp đặt trung bình 1 đến 2 lệnh trừng phạt đối với Iran hằng tháng... Chúng tôi kiên định với quan điểm rằng ngoại giao là giải pháp để tháo gỡ bế tắc. Chúng tôi cũng rất nghiêm túc và kiên trì để đạt được thỏa thuận lâu dài và bền vững”.

Theo nhận định của Ngoại trưởng Iran, bản dự thảo thỏa thuận mà Mỹ gửi tới nước này có rất nhiều điểm không rõ ràng. Ông cũng nêu rõ Tehran "nghiêm túc về một thỏa thuận, nhưng chúng tôi không biết liệu phía Mỹ có đủ can đảm và sự thực tế cần thiết để đưa ra quyết định trong vấn đề này hay không". 

Bình luận về việc trao đổi tù nhân với Mỹ, ông Amir-Abdollahian nhấn mạnh phía Tehran cho rằng vấn đề này tách biệt với thỏa thuận hạt nhân và hoàn toàn là vấn đề nhân đạo. Ông lưu ý: “Chúng tôi sẵn sàng trao đổi tù nhân bất cứ lúc nào phía Mỹ bày tỏ sự chuẩn bị sẵn sàng".

Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA đã bắt đầu được tiến hành vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo), nhưng đã bị đình chỉ vào tháng 3 năm nay vì những khác biệt chính trị giữa Tehran và Washington. Vòng đàm phán hạt nhân mới nhất được tổ chức tại thủ đô của Áo đầu tháng 8 vừa qua, sau 5 tháng gián đoạn.

Vào ngày 8/8, EU đưa ra văn bản cuối cùng của dự thảo quyết định về việc khôi phục JCPOA. Iran và Mỹ sau đó đã gián tiếp trao đổi quan điểm về đề xuất của EU, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả thuận lợi nào.

Thanh Phương (TTXVN)
Mỹ đưa 3 máy bay của Iran vào danh sách vi phạm lệnh trừng phạt
Mỹ đưa 3 máy bay của Iran vào danh sách vi phạm lệnh trừng phạt

Ngày 19/9, Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ bổ sung 3 máy bay Boeing 747 của các hãng hàng không Iran đang cung cấp dịch vụ chở hàng sang Nga vào danh sách những máy bay vi phạm biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Quy định này là một phần trong lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại miền Đông Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN