Mặc dù đã nhất trí với nhau về văn bản cuối cùng, nhưng ngày 22/11 giữa Mỹ và Afghanistan lại bùng nổ cuộc tranh cãi về thời điểm ký kết Hiệp định an ninh song phương (BSA) liên quan tới sự hiện diện của lính Mỹ tại quốc gia Trung Á này sau lộ trình rút quân vào cuối năm 2014. Các thành viên Hội đồng Trưởng lão Afghanistan thảo luận trong ngày họp thứ 4 về BSA tại Kabul ngày 22/11. Ảnh: AFP-TTXVN. |
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, việc ký kết BSA giữa Mỹ và Afghanistan lại gặp trở ngại lớn sau khi ông Aimal Faizi, người phát ngôn Phủ Tổng thống Afghanistan thông báo Tổng thống nước này Hamid Karzai có thể chuyển cho người kế nhiệm ông sau cuộc tổng tuyển cử ngày 5/4/2014 ký văn bản hiệp định này.
Phản ứng trước vấn đề mới nảy sinh này, Nhà Trắng khẳng định việc Mỹ và Afghanistan ký một thỏa thuận an ninh mới trong năm nay là điều cấp bách. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cảnh báo rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ xem xét lại các khoản viện trợ thiết yếu dành cho Afghanistan nếu nước này không ký BSA ngay trong năm 2013.
Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết phía Mỹ đã nhiều tuyên bố rõ ràng rằng BSA dứt khoát phải được ký kết trong năm nay, mọi sự chậm trễ đều không thể chấp nhận và chắc chắn sẽ tác động tới các khoản viện trợ của Mỹ.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki thậm chí chỉ trích rằng việc từ chối ký BSA trong năm nay sẽ là "một dấu hiệu chứng tỏ Afghanistan không tôn trọng mối quan hệ với các đối tác và những người ủng hộ". Bằng việc từ chối ký BSA trong năm nay, theo bà Psaki, Tổng thống Karzai và ê kíp của ông ta rõ ràng muốn gây tổn hại các khoản viện trợ tài chính mà Mỹ và các đồng minh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cam kết dành cho nước này.
Cuộc khẩu chiến xung quanh thời điểm ký kết BSA bùng nổ giữa lúc Hội đồng Trưởng lão của Afghanistan đang nhóm họp để thảo luận về văn kiện BSA đã được nhất trí giữa hai bên, theo đó Afghanistan có thể cho phép từ 8.000 đến 12.000 binh lính Mỹ và NATO tiếp tục ở lại nước này sau năm 2014. Số binh lính này có thể được miễn trừ trước luật pháp nước sở tại và được quyền tiến hành các chiến dịch quân sự, khám xét các nhà thờ và nhà dân Afghanistan trong "trường hợp đặc biệt".
Để gia tăng áp lực với chính quyền của Tổng thống Karzai, ngày 22/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Lầu Năm Góc không thể lập kế hoạch cho các hoạt động sau năm 2014 ở Afghanistan nếu các nhà lãnh đạo quốc gia Tây Nam Á này không sớm ký hiệp định BSA.
TTXVN/Tin tức