Một nghiên cứu đăng trên trang news-medical.net đã xem xét hiệu quả của mũi vaccine tăng cường đối với việc nhiễm COVID-19 ở nhóm thanh niên đã được tiêm chủng trong giai đoạn Omicron là biến thể lây lan chủ đạo. Đây là một trong những nghiên cứu cộng đồng đầu tiên nhằm xác định hiệu quả của mũi vaccine tăng cường trong một nhóm dân số thanh niên được giám sát tích cực.
Nghiên cứu trên được tiến hành tại cơ sở Ithaca thuộc Đại học Cornell (Mỹ) trong giai đoạn từ ngày 5/12 đến ngày 31/12/202. Đây là giai đoạn Omicron đang là biến thể lây lan chủ đạo trên khắp nước Mỹ. Tổng cộng có 15.102 sinh viên đại học đã đăng ký tham gia nghiên cứu hiện tại, tất cả đều đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) phê duyệt gồm vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson (J&J). Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều có xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 3 tháng kể từ khi bắt đầu nghiên cứu và phải làm xét nghiệm PCR giám sát bắt buộc ít nhất hằng tuần. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và so sánh những người tham gia đã tiêm đủ liều cơ bản cùng mũi vaccine tăng cường và những người không tiêm mũi tăng cường.
Kết quả cho thấy mũi vaccine tăng cường làm giảm đáng kể số ca mắc trong giai đoạn Omicron lây lan chủ yếu, cũng là nguyên nhân dẫn đến sự lây truyền tối thiểu trong cộng đồng. Trên thực tế, tỷ lệ mắc COVID-19 đã giảm hơn 50% ở những người tham gia được tiêm mũi tăng cường so với những người được tiêm đủ liều cơ bản mà không được tiêm nhắc lại. Nhìn chung, 1.870 ca mắc COVID-19 đã được báo cáo trong nhóm người được nghiên cứu và kết quả được kiểm soát đối với các yếu tố gây nhầm lẫn khác nhau, chẳng hạn như giới tính, ngày tiêm chủng đầy đủ và loại vaccine tiêm ban đầu. Điều quan trọng là nghiên cứu hiện tại bao gồm cả ca mắc COVID-19 có triệu chứng và không có triệu chứng. Những sinh viên tiêm vaccine của J&J có nhiều khả năng bị nhiễm bệnh hơn so với những sinh viên được tiêm một trong hai loại vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech hay Moderna. Tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê, có lẽ bởi chỉ một số ít sinh viên đã được tiêm mũi J&J ban đầu. Tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn đáng kể ở những sinh viên được tiêm chủng đầy đủ sau ngày 1/5/2021 và cao hơn đáng kể ở những sinh viên tham gia các hoạt động chung, có tiếp xúc gần nhau.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên vẫn tồn tại một số hạn chế. Dữ liệu cũng không cho phép phân biệt giữa mũi tăng cường và tiêm mũi bổ sung cho những người bị suy giảm miễn dịch. Các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến việc không phải toàn bộ các xét nghiệm PCR có kết quả dương tính đều được thực hiện giải trình tự gene, do đó không thể loại trừ việc phân loại sai, vì những người tiêm mũi tăng cường trong thời gian nghiên cứu có thể đã cập nhật vào hồ sơ tiêm chủng của họ. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng mũi vaccine tăng cường có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thanh niên so với tiêm chủng đủ liều cơ bản mà không có mũi nhắc lại trong giai đoạn biến thể Omicron chiếm ưu thế. Ý nghĩa của những kết quả này là cần tăng tỷ lệ tiêm mũi vaccine tăng cường để các cơ sở giáo dục có thể mở cửa một cách an toàn, đồng thời giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng.