Mùa lễ hội 'cảnh giác'

WHO khuyến cáo các lễ hội chỉ có thể diễn ra an toàn nếu các biện pháp bảo vệ và đề phòng được thực hiện nghiêm túc. Nói cách khác, khi số ca mắc mới COVID-19 vẫn đang tăng nhanh tại nhiều nước trên thế giới, không ai được phép lơ là hay chủ quan trong phòng chống dịch.

Chú thích ảnh
Người dân tham gia một buổi lễ truyền thống chuẩn bị cho tháng lễ Ramadan tại làng Painan, Tây Sumatra, Indonesia, ngày 12/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

"Sau khi các ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bắt đầu giảm, chúng tôi đã rất thoải mái. Hầu hết mọi người đều lãng quên sự có mặt của virus SARS-CoV-2". Chia sẻ của Chánh án Vikram Nath, người đứng đầu Hội đồng thẩm phán tòa án cấp cao ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, có thể lý giải phần nào nguyên nhân khiến quốc gia Nam Á một lần nữa phải hứng chịu làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 tồi tệ, với số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước tới nay, buộc chính quyền nhiều bang phải tái áp đặt lệnh phong tỏa và giới nghiêm.

Trong 10 ngày qua, Ấn Độ liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi  ngày ở mức cao nhất thế giới, hơn 100.000 ca, cao gấp nhiều lần so với chưa đầy 10.000 người hồi đầu năm. Riêng ngày 14/4, quốc gia Nam Á này có thêm hơn 184.000 ca mắc mới - mức cao nhất từ trước tới nay. Hiện Ấn Độ đã vượt Brazil, chỉ sau Mỹ về số ca COVID-19.  

Các chuyên gia khẳng định làn sóng dịch mới ở Ấn Độ xuất phát từ tâm lý chủ quan, mất cảnh giác của người dân khi số ca nhiễm mới bắt đầu giảm hồi cuối năm ngoái, góp phần giúp chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế, cũng như việc triển khai chiến dịch tiêm chủng. Đặc biệt, một loạt lễ hội lớn, trong đó có lễ hội ánh sáng Diwali và lễ hội Kumbh Mela, chính là "chất xúc tác" thổi bùng dịch bệnh. Dù COVID-19 đã buộc Chính phủ Ấn Độ cắt giảm đáng kể quy mô tổ chức lễ hội Kumbh Mela và những người tham dự bắt buộc phải có giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2, song hàng triệu tín đồ mộ đạo vẫn chen chân trầm mình xuống dòng sông Hằng tắm gội, với niềm tin bất diệt rằng dòng nước thiêng sẽ rửa sạch tội lỗi. Cảnh sát ước tính riêng trong sáng 14/4, khoảng 650.000 người đã tắm dưới dòng sông Hằng. 

Như chia sẻ của anh Nitesh Kumar, 31 tuổi, tất cả mọi người tới sông Hằng đều không lo ngại COVID-19, cũng như có chung suy nghĩ rằng chính phủ đã đẩy lùi dịch bệnh. Do đó, bất chấp hệ thống truyền thanh công cộng thường xuyên phát lời nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn tối thiểu, trong khi các tình nguyện viên có mặt ở mọi nơi để xịt thuốc sát khuẩn tay cho những người hành hương, thì rất nhiều người vẫn phớt lờ việc đeo khẩu trang cũng như sự tồn tại của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Chỉ trong 2 ngày qua, hơn 1.000 ca nhiễm mới đã được ghi nhận ở thành phố linh thiêng Haridwar - nơi con sông Hằng chảy qua. 

Dịch bệnh cũng đang “nóng lên” tại một số nước Đông Nam Á, kể cả một số nước lâu nay vẫn được coi là khá an toàn, hiệu quả trong việc phòng, chống dịch. Sau nhiều tháng ngăn chặn thành công, làn sóng dịch thứ ba đã tấn công Thái Lan. Ngày 14/4, Thái Lan xác nhận thêm 1.335 ca mắc mới COVID-19, cao nhất kể từ đầu dịch. Đợt bùng phát dịch lần này được đánh giá là khá nghiêm trọng do sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại Anh, có nguy cơ lây lan nhanh hơn. Nhiều chính trị gia Thái Lan đã phải cách ly, ít nhất 1 bộ trưởng nhiễm bệnh. Thực tế, hiện dịch bệnh đã lây lan tại 74/77 tỉnh, thành của nước này.

Đáng lo ngại, các ổ dịch bắt nguồn từ những quán bar và các địa điểm giải trí ban đêm ở trung tâm thủ đô Bangkok, trong đó nhiều quán bar dành cho giới nhà giàu, khiến nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh. Tuy nhiên, đây là đối tượng rất ít hoặc thậm chí không có biểu hiện triệu chứng nên có thể dễ dàng làm lây lan virus cho người khác. Chuyên gia virus học của Đại học Chulalongkorn, Tiến sĩ Yong Poovorawan, nhận định ổ dịch COVID-19 mới nhất ở Bangkok có thể trở thành thách thức lớn đối với Thái Lan, đặc biệt trong lễ hội Songkran, diễn ra từ ngày 13-15/4. Theo ông, đợt bùng phát dịch lần này tồi tệ gấp 10 lần năm ngoái, song do các biện pháp hạn chế ít nghiêm ngặt hơn nên tình hình hiện nay có thể nói là nghiêm trọng gấp 100 lần năm ngoái. Chính quyền vùng đô thị Bangkok đã quyết định hủy bỏ tất cả các hoạt động đón mừng Tết cổ truyền Songkran, hay còn gọi là lễ hội té nước, tại tất cả các quận của thủ đô, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện nghi lễ tắm tượng Phật và rửa tay cho người già ở nhà, tránh đến những khu vực đông đúc.

Chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia cũng đã quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm thêm 2 tuần, từ ngày 15 đến 28/4 trong bối  cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở nước này liên tục tăng ở mức 3 chữ số. Chính phủ cũng khuyến cáo người dân tổ chức tiệc mừng Tết cổ truyền Khmer ở nhà, tránh đi đến những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch. Nếu ở thời điểm xảy ra “Sự cố cộng đồng ngày 20/2”, Campuchia mới chỉ ghi nhận khoảng 500 ca nhiễm thì chưa đầy 2 tháng, con số này đã tăng tới hơn 8 lần, lên đến 4.696 người.

Ngay trước thềm Tết cổ truyền Boun Pi May, Lào đã ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 1 năm. Chính phủ Lào đã cấm tổ chức các sự kiện tập trung đông người nơi công cộng trong dịp Tết và kêu gọi người dân tăng cường cảnh giác.

Nhiều nước châu Á khác cũng đã siết chặt biện pháp hạn chế trong bối cảnh tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo bắt đầu. Indonesia, nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất Đông Nam Á, cho phép người Hồi giáo thực hiện các buổi cầu nguyện tại các địa điểm thờ tự, song giới hạn lượng người tham dự ở mức tối đa 50% với các quy trình y tế nghiêm ngặt, khuyến khích các tín đồ khỏe mạnh dùng bữa tại nhà riêng cùng gia đình, thời lượng của các buổi cầu nguyện hoặc giảng đạo trong tháng Ramadan được giới hạn không quá 15 phút. Tuy nhiên, tại các “vùng đỏ” và “vùng cam” – khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở mức cao và trung bình, tất cả các hoạt động này đều bị cấm hoàn toàn trong suốt tháng lễ. Malaysia cũng siết chặt lệnh kiểm soát đi lại trước tháng lễ Ramadan, theo đó các cá nhân vi phạm lệnh cấm sẽ phải chịu mức phạt lên đến 10.000 ringgit (2.400 USD).

Tại Iran, nơi đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ tư, người dân được yêu cầu ở nhà cầu nguyện, việc cầu nguyện theo nhóm chỉ được phép tổ chức 1 lần mỗi ngày ở ngoài trời, các tín đồ phải áp dụng giãn cách, sử dụng khẩu trang với số người tham gia hạn chế. Còn tại Pakistan, các đền thờ chỉ cho phép các tín đồ cầu nguyện ngoài sân và tuân thủ giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Giới chuyên gia nhận định tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác xuất hiện khi nhiều người cho rằng thế giới đã có vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, tiến trình tiêm chủng vaccine lại đang quá chậm và không đồng đều giữa các nước.

Ngay tại Ấn Độ - vốn được coi là “công xưởng” sản xuất vaccine của thế giới, cũng đang lâm vào tình cảnh thiếu hụt và mới chỉ tiêm được ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 7% dân số. Nhiều điểm tiêm chủng tại bang Maharastra – nơi chiếm tới gần 50% số ca nhiễm mới trong tuần trước, đã từ chối tiêm cho người dân do khan hiếm vaccine. Trong khi đó, thống kê cho thấy Thái Lan cũng mới chỉ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho chỉ khoảng 0,7% dân số, đứng thứ tám trong khu vực Đông Nam Á.

Theo tập đoàn Goldman Sachs, hầu hết các nước châu Á mới chỉ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một phần nhỏ dân số và khó có thể đạt được miễn dịch cộng đồng cho đến năm 2022. Giới chuyên gia cho rằng việc triển khai tiêm vaccine chậm sẽ buộc một số nước châu Á phải kiểm soát chặt chẽ biên giới cũng như duy trì các biện pháp chống dịch, gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư, nhân lực, du khách và cả sinh viên nước ngoài. Điều này có thể khiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á dù được dự báo mạnh mẽ, song vẫn rất mong manh.

Thời gian qua, Việt Nam được quốc tế đánh giá là đã kiểm soát tốt 3 đợt bùng phát dịch, hiện nhiều tỉnh, thành trong 2 tháng không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tới ngày 14/4, hơn 60.000 người đã được tiêm vaccine. Tuy nhiên, trước thực trạng rằng ngay cả khi nhiều nước đã triển khai tiêm chủng vaccine, song thế giới mỗi ngày vẫn ghi nhận tới hơn 500.000 ca nhiễm mới và hơn 10.000 trường hợp tử vong bởi sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, chính phủ đề nghị người dân duy trì tinh thần cảnh giác cao, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Nhiều thông điệp “lễ hội cảnh giác”, “lễ hội an toàn”… đã được đưa ra khi  hàng loạt lễ hội đã và đang diễn ra ở Việt Nam, như Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội khởi động mùa du lịch Hè tại nhiều địa phương ven biển…

Đầu tháng này, nhiều nước châu Âu, châu Mỹ đã trải qua một “lễ Phục sinh buồn” do COVID-19. Bỉ, Pháp, Italy… phải  áp đặt các biện pháp hạn chế cấp độ cao hơn. Brazil trong giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất với sự hoành hành của các biến thể mới. Peru đón lễ Phục sinh trong tình trạng phong tỏa, Bolivia buộc phải đóng cửa khẩu với Brazil, còn Chile đóng cửa tất cả các đường biên giới.  Trong bối cảnh tháng 4 có rất nhiều lễ hội ở châu Á và cũng là thời điểm bắt đầu tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo (từ ngày 13/4-13/5), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo rằng các lễ hội chỉ có thể diễn ra an toàn nếu các biện pháp bảo vệ và đề phòng được thực hiện nghiêm túc. Nói cách khác, khi số ca mắc mới COVID-19 vẫn đang tăng nhanh tại nhiều nước trên thế giới, không ai được phép lơ là hay chủ quan trong phòng chống dịch.

Ngọc Hà (TTXVN)
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Nam Á
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Nam Á

Ngày 14/4, số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 tại Ấn Độ lại lên một mức cao mới, trong bối cảnh nhiều tín đồ theo đạo Hindu ở nước này tham dự lễ hội tôn giáo truyền thống bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt của chính quyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN