Theo NBC News, một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí khoa học Geophysical Research Letters vào tháng trước đã phát hiện tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến cho mùa Hè kéo dài hơn và nóng hơn trong khi rút ngắn thời gian 3 mùa còn lại. Các nhà khoa học cho biết những bất thường này có thể gây ra một loạt các tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ngành nông nghiệp và môi trường.
"Đây là đồng hồ sinh học của mọi sinh vật", tác giả chính của nghiên cứu - ôngYuping Guan hiện là nhà hải dương học vật lý tại Phòng thí nghiệm trọng điểm về Hải dương học của Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết.
Guan và các đồng nghiệp đã tìm hiểu dữ liệu khí hậu hàng ngày từ năm 1952 đến năm 2011 để xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc của mỗi mùa ở Bắc bán cầu. Họ phát hiện ra rằng trong khoảng thời gian gần 60 năm, trung bình mùa Hè kéo dài từ 78 lên đến 95 ngày. Trong khi đó, mùa Đông rút ngắn từ 76 xuống còn 73 ngày và tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với mùa Thu, mùa Xuân.
Từ những phát hiện trên, các nhà khoa học đã xây dựng một mô hình dự đoán các mùa có thể thay đổi như thế nào trong tương lai. Họ phát hiện ra rằng nếu tốc độ biến đổi khí hậu tiếp tục không giảm, mùa Hè ở Bắc bán cầu có thể kéo dài gần sáu tháng, trong khi mùa Đông chỉ kéo dài chưa đầy hai tháng.
Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đang có tác động sâu sắc đến các mùa - làm cho mùa Hè nóng hơn và kéo dài hơn còn mùa Đông ngắn hơn và ấm hơn, song Guan cho biết anh rất ngạc nhiên trước kết quả mà nhóm mình tìm được. “Đầu tiên chúng tôi xem đến năm 2050 và sau đó tính toán sự thay đổi cho năm 2100. Đó là một con số lớn”, nhà khoa học Guan cho hay.
Sự thay đổi các mùa trong năm có thể mang đến những rủi ro đối với môi trường và sức khỏe con người. Cụ thể, với mùa Hè nóng hơn và dài hơn, muỗi và các loài gây hại mang bệnh khác có thể mở rộng phạm vi sinh sống ở những khu vực mà chúng thường không được tìm thấy.
Vì các mùa quyết định chu kỳ sống của thực vật và động vật, biến đổi khí hậu có thể làm gián đoạn khả năng thích ứng của các loài. Scott Sheridan, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Kent (bang Ohio), giải thích: “Mọi thứ có thể không thay đổi cùng một lúc.Ví dụ đến mùa thích hợp, hoa nở song ong vẫn chưa xuất hiện để thụ phấn”.
Sự thay đổi các mùa còn có thể gây ra những tác động sâu đến sản xuất nông nghiệp. “Một trong những mối quan tâm chính là nhiệt độ ấm lên sẽ ảnh hưởng đến thời gian phát triển của cây trồng như thế nào. Điều đó có tác động đến cây trồng trưởng thành nhanh như thế nào và do đó, năng suất cây trồng bị ảnh hưởng ra sao. Mặc dù các vấn đề về sản xuất lương thực có tác động lan tỏa toàn cầu, nhưng Địa Trung Hải là một trong những khu vực đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu”, Weston Anderson - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khí hậu và Xã hội Đại học Columbia – cho hay.