Một vùng ở Mỹ thoát ‘bóng ma’ COVID-19 nhờ tiêm chủng hiệu quả

Các bệnh viện ở vùng New England (Mỹ) đang dần thoát khỏi bóng đen COVID-19 nhờ chiến dịch tiêm vaccine hiệu quả. Điều này đang mở ra hy vọng về cuộc sống trở lại bình thường cho nhiều nơi trên khắp nước Mỹ.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại bang Ohio, Mỹ ngày 10/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin AP, đối với bác sĩ Jeremy Faust, thời điểm ông nhận ra đại dịch không còn chi phối ngày làm việc của mình là vào cuối tháng 5, khi ông không chứng kiến trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nào trong hai ca bệnh tại phòng cấp cứu Bệnh viện Brigham and Woman ở Boston.

Kerry LaBarbera, một y tá tại phòng cấp cứu cách Trung tâm Y tế Boston vài km, cũng nhận thấy điều tương tự vào cuối tuần, khi chỉ còn 2 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại cơ sở của cô, một trong những cơ sở đông đúc nhất vùng New England.

“Một năm rưỡi vừa qua giống như trải qua một cơn lốc xoáy hoặc một điều gì đó khủng khiếp”, LaBarbera nói.

Massachusetts và phần còn lại của vùng New England, khu vực được tiêm chủng nhiều nhất ở Mỹ, đang chứng minh cho nhiều khu vực khác trên khắp đất nước thấy một tương lai tươi sáng khi có nhiều người được tiêm phòng hơn. Các trường hợp nhập viện và tử vong vì COVID-19 trong khu vực đã giảm đều, với trên 60% cư dân ở tất cả 6 tiểu bang đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Trong khi đó, các bang ở vùng Deep South gồm Alabama, Louisiana và Mississippi, mới tiêm chủng cho ít nhất khoảng 35% dân số. Các trường hợp mắc mới tại đây thường cao hơn ở hầu hết các tiểu bang ở New England. Trên toàn quốc, khoảng 50% người Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Tại Massachusetts, các quan chức y tế vào tuần trước đã xác nhận không có thành phố và thị trấn nào của bang có nguy cơ cao lây lan COVID-19, lần đầu tiên kể từ khi họ bắt đầu đưa ra đánh giá hàng tuần vào tháng 8 năm ngoái.

Ở tiểu bang Rhode Island, số ca nhập viện do COVID-19 đã giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 8 tháng. New Hampshire cũng đang chứng kiến tỉ lệ tử vong trung bình chỉ còn 1 ca/tuần sau khi đạt đỉnh khoảng 12 ca/ngày trong đợt bùng phát dịch vào mùa đông. Vermont, bang được tiêm chủng nhiều nhất ở Mỹ với trên 70%, đã trải qua hơn 2 tuần không ghi nhận ca tử vong do COVID-19 nào. 

Tiến sĩ Tim Lahey, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vermont ở Burlington cho rằng đây là sự thay đổi đáng kinh ngạc chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Chú thích ảnh
Keidy Ventura, 17 tuổi, tiêm mũi vaccine đầu tiên tại New Jersey hồi tháng 4. Ảnh: AP

Các chuyên gia sức khỏe cộng đồng nhận định những khu vực khác ở Mỹ cũng sẽ chứng kiến những tín hiệu tích cực như New England, trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden thúc đẩy tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 70% dân số trưởng thành vào ngày 4/7 tới. Chính quyền các tiểu bang trên khắp nước Mỹ đã nỗ lực vận động người dân đi tiêm chủng bằng nhiều biện pháp khác nhau, như tặng bia, quay sổ xố, tặng phiếu mua hàng và nhiều phần quà hấp dẫn khác.

Tiến sĩ Thomas Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, đánh giá New England dường như đã có chiến dịch tiêm chủng đúng đắn, đó là tập trung vào việc tiêm vaccine cho các nhóm dễ tổn thương.

Bác sĩ Albert Ko, Trưởng khoa Dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Yale ở New Haven, bang Connecticut, cho biết giới chức New England phần lớn cũng đã tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến nghị của chuyên gia y tế công cộng về các ưu tiên kinh tế trong đại dịch COVID-19.

Mỹ đang nới lỏng giãn cách xã hội và dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế ngừa COVID-19 nhờ chương trình tiêm vaccine quyết liệt. Trên toàn quốc, trung bình các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã giảm xuống khoảng 15.000 ca/ngày, trong khi số ca tử vong giảm mạnh xuống còn khoảng 430 ca/ngày, mức giảm chưa từng thấy kể từ cuối tháng 3/2020 trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng. Tổng số ca tử vong của Mỹ hiện đang ở mức trên 612.000 người.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Katherine Gergen Barnett tại Trung tâm Y tế Boston. Ảnh: AP

Tuy nhiên, ngay cả khi các ca bệnh giảm đáng kể, các bệnh viện ở New England vẫn bận rộn hơn bao giờ hết vì bệnh nhân trở lại đông đúc sau khi trì hoãn chăm sóc y tế suốt hơn một năm.

Bác sĩ Katherine Gergen Barnett, Trưởng khoa Y học gia đình tại Trung tâm Y tế Boston, cho biết họ đã "tiếp thêm năng lượng" để kết nối lại với những bệnh nhân mắc các bệnh khác ngoài COVID-19. Bên cạnh những căn bệnh thể chất bị lãng quên, nhiều bệnh nhân đang phải trải qua chấn thương tâm lý nghiêm trọng. 

“Chúng tôi đã chạy marathon, nhưng bây giờ còn một cuộc đua dài khác phía trước, đó là giúp mọi người trở lại khỏe mạnh”, cô nói.

Paul Murphy, y tá khoa cấp cứu tại  Bệnh viện Brigham and Women, cho biết thời gian chờ đợi của các bệnh nhân trong khoa của anh ấy thường hơn 6 giờ trong những ngày này. Các nhân viên y tế đang cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.

Tuy nhiên, Warwick, 54 tuổi, sống tại bang Rhode Island, cho biết ông cảm thấy thật sảng khoái khi bước ra khỏi guồng quay công việc khi khu vực này trở lại cuộc sống bình thường. Murphy cho biết đã qua thời gian phải làm việc hơn 50 giờ mỗi tuần trong đại dịch, giờ là thời gian tập thể thao và các ưu tiên sức khoẻ khác.

Đối với bác sĩ Faust, ông đang tận hưởng thời gian nghỉ ngơi sau cuộc chiến chống COVID-19 kéo dài. Vị bác sĩ cho biết ông đã chìm trong giấc ngủ cả ngày mà không có cảm giác tội lỗi, điều mà ông không thể mơ tới trong đại dịch.

Nhưng giống như các chuyên gia y tế khác, ông cũng lo lắng tốc độ tiêm chủng chậm lại có thể khiến quốc gia này dễ bị tổn thương bởi các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn và lây lan nhanh hơn.

Hải Vân/Báo Tin tức
Tâm lý sợ tiêm vaccine ở vùng nông thôn cản trở cuộc chiến COVID-19 của Ấn Độ
Tâm lý sợ tiêm vaccine ở vùng nông thôn cản trở cuộc chiến COVID-19 của Ấn Độ

Nhiều người dân sinh sống ở các vùng nông thôn của Ấn Độ đang có tâm lý sợ xét nghiệm và tiêm vaccine COVID-19. Điều này khiến cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Á này càng trở nên khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN