Theo kênh CNBC, các nhà đầu tư thường coi các công ty nhà nước Trung Quốc là nơi an toàn vì được đảm bảo “ngầm” rằng giới chức nước này sẽ cứu các công ty nếu họ gặp khó khăn. Tuy nhiên, một loạt vụ vỡ nợ trong những tuần gần đây cho thấy giả định đó không còn đúng.
Một số doanh nghiệp nhà nước nổi tiếng vừa vỡ nợ gồm những cái tên như công ty điện than Yongcheng, nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup, tập đoàn ô tô Huachen.
Các nhà phân tích của công ty nghiên cứu CreditSights nhận định: “Người tham gia thị trường một lần nữa được nhắc nhở rằng không phải mọi doanh nghiệp nhà nước đều được thành lập giống nhau…
Các doanh nghiệp nhà nước không thuộc những ngành có tầm quan trọng chiến lược hoặc đã rời xa mảng kinh doanh cốt lõi có thể không được nhà nước giải cứu”.
Vụ vỡ nợ của công ty điện than Yongcheng đã khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên vì công ty này được một hãng xếp hạng tín nhiệm Trung Quốc đánh giá mức AAA. Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies cho rằng công ty này là ví dụ điển hình của một công ty lớn rủi ro và đã bị Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) cảnh báo đầu tháng 11.
Trong báo cáo ổn định tài chính, PboC cảnh báo rằng các vấn đề sau đây ở một số công ty lớn có thể trở thành rủi ro cho toàn bộ nền kinh tế: mở rộng quá nhiều sang các ngành khác và khu vực khác, gây tích tụ nợ vượt quá khả năng trả của công ty; gặp các vấn đề quản trị công ty; phụ thuộc vào các khoản vay mượn để trả nợ. Jefferies cho biết những vấn đề này đều liên quan tới công ty Yongcheng.
Theo các nhà phân tích, mặc dù công ty nhà nước lớn vỡ nợ sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư trong ngắn hạn, nhưng xu hướng đó khiến một số công ty “xác sống” không thể kiếm lợi từ ngân hàng và nhà đầu tư về lâu dài. Với các ngân hàng, quét sạch công ty có vấn đề giúp họ xác định rủi ro sớm hơn. Công ty “xác sống” là các công ty cần giải cứu mới có thể hoạt động, hoặc công ty vay nợ nhưng chỉ trả được lãi suất.
Xét về tổng thể, vỡ nợ là một phần của thị trường lành mạnh, hoạt động đúng chức năng, miễn là không tình trạng này không lây lan và quá trình này có xu hướng được kiểm soát tương đối.
Để các công ty không thể tồn tại được vỡ nợ sẽ giải phóng nguồn lực, thúc đẩy quá trình đổi mới và nuôi dưỡng động lực kinh tế tốt hơn ở Trung Quốc, giảm nỗi ám ảnh về các doanh nghiệp nhà nước “xác sống”.
Sau một loạt vụ vỡ nợ gần đây, giới chức Trung Quốc cam kết không dung thứ với hành vi sai trái của những nhà phát hành trái phiếu. Các nhà quản lý đã mở điều tra công ty Yongcheng và Huachen cũng như những người đứng ra bảo đảm trái phiếu của họ.
Tuy vậy, điều đó cũng sẽ không ngăn chặn được nhiều công ty nhà nước vỡ nợ. Công ty tư vấn CreditSights nhận định: “Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng vỡ nợ gây lo ngại và sẽ không phải là lần cuối cùng”.
Hãng xếp hạng tín dụng Fitch tuần trước nói rằng số vụ vỡ nợ của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có thể tăng ít trong năm 2021 với điều kiện Trung Quốc thắt chặt quy định cấp vốn. Fitch nhận định: “PboC đã chuyển sang quan điểm chính sách trung lập hơn khi tăng trưởng kinh tế phục hồi sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Chúng tôi hy vọng điều kiện cấp vốn năm 2021 sẽ chặt chẽ hơn đầu năm 2020. Doanh nghiệp nhà nước yếu kém trong các lĩnh vực quá tải hoặc các ngành thương mại hóa phải đối mặt rủi ro vỡ nợ lớn hơn do ít khả năng được nhà nước hỗ trợ”.
Tuy nhiên, rủi ro vỡ nợ trung bình của doanh nghiệp nhà nước vẫn thấp hơn công ty tư nhân. Fitch cho biết có 20 doanh nghiệp tư nhân đã vỡ nợ trái phiếu từ tháng 2 tới tháng 10 năm nay. Cùng giai đoạn năm ngoái chỉ có 5 công ty.