Giới quan sát nhận định cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 tới cũng như lập trường của quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hiện là ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU) này trong quan hệ với phương Tây và nước láng giềng Serbia.
Các điểm bỏ phiếu đã mở cửa từ 7h sáng (giờ địa phương) và dự kiến đóng cửa lúc 20h cùng ngày. Kết quả đầu tiên của các cuộc thăm dò cử tri sau bầu cử sẽ được công bố khoảng 2 giờ sau đó.
Trong cuộc bầu cử này, Tổng thống Milo Djukanovic, theo đường lối ủng hộ phương Tây và đã nắm giữ nhiều vị trí chính trị cấp cao trong hơn 30 năm qua, đặt mục tiêu tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3. Các đối thủ chính của tổng thống đương nhiệm là ông Andrija Mandic, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân chủ ủng hộ củng cố quan hệ với Serbia và Nga, và ông Jakov Milatovic - nhà kinh tế thân phương Tây và là Phó Chủ tịch Phong trào châu Âu Ngày nay.
Theo quy định, nếu không có ứng cử viên nào giành được tối thiểu hơn 50% số phiếu bầu, cuộc bầu cử sẽ phải tổ chức vòng hai vào ngày 2/4 tới.
Trước đó, ngày 16/3, Tổng thống Djukanovic đã ban hành sắc lệnh giải tán Quốc hội, qua đó dọn đường cho cuộc bầu cử cơ quan lập pháp khóa tiếp theo sau khi quốc gia Adriatic này không thành lập được chính phủ mới.
Theo quy định của Hiến pháp Motenegro, nguyên thủ quốc gia là vị trí chủ yếu mang ý nghĩa đại diện. Tuy nhiên, Tổng thống vẫn có tầm quan trọng trong quá trình thành lập nội các và đề cử Thủ tướng. Tổng thống Motenegro được bầu theo chế độ phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm và không được giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Djukanovic từng có 5 nhiệm kỳ giữ cương vị Thủ tướng và được bầu làm Tổng thống Motenegro trong các nhiệm kỳ 1998 - 2002 và 2018 - 2023.
Những năm qua, quốc gia Balkan đã rơi vào tình trạng bị chia rẽ giữa lực lượng coi mình là người Montenegro và những nhân vật tuyên bố bản thân là người Serbia cũng như phản đối nền độc lập của Montenegro khỏi Serbia.