Mối quan hệ tay ba kỳ lạ giữa Anh với Liên minh châu Âu và Mỹ

Thủ tướng Anh Keir Starmer đang tìm cách tái thiết quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), nhưng có lẽ ông sẽ dễ dàng đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump hơn.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu trong cuộc họp báo ở Oxfordshire ngày 18/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Dù tuyên bố sẽ khôi phục quan hệ với EU, Thủ tướng Anh Keir Starmer đến nay vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển. Tuy nhiên, ông có thể sẽ có cơ hội ký một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ chắc chắn áp thuế đối với hàng hóa từ EU. Khi được hỏi về Anh, ông ám chỉ rằng có thể làm điều tương tự, nhưng cũng nói thêm: "Tôi nghĩ chúng ta có thể giải quyết chuyện này. Thủ tướng Starmer rất tử tế".

Điều đáng chú ý là ông Trump cũng đã có những lời khen dành cho Thủ tướng Starmer. Hồi cuối tháng 1, ông đánh giá Thủ tướng Anh đang làm rất tốt.

Hiện tại, Anh đang mắc kẹt trong một mối quan hệ kỳ lạ: Ông Starmer muốn tiến gần EU, nhưng không muốn bị coi là đang cố gắng tái gia nhập khối này. Trong khi đó, ông Trump, người có mẹ là người Scotland, lại thể hiện sự quan tâm đến Anh. Tuy nhiên, ông Trump không hài lòng với EU, đối tượng mà Thủ tướng Starmer muốn xích lại gần. Thủ tướng Anh giờ đây phải cân nhắc cách đạt được lợi ích từ cả Brussels và Washington.

Thách thức từ EU: Thủ tướng Starmer đối mặt với các rào cản

Thủ tướng Starmer, không phải là người có nhiều điểm chung với ông Trump. Nhưng ông đang điều hành một nền kinh tế lớn sử dụng tiếng Anh, không còn nằm trong EU và có thể tự do quyết định các vấn đề thương mại.

Theo chuyên gia Ian Lesser từ Quỹ Marshall Đức, ông Trump có xu hướng thích đàm phán với từng quốc gia hơn là làm việc với một thể chế đa quốc gia như EU. Ông nhận định: “Ông Trump có thể có thiện cảm với một số lãnh đạo EU như Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, nhưng khi nói đến thương mại, ông ấy không muốn làm việc với Brussels”.

Tuy nhiên, bản thân EU cũng là một bài toán khó đối với ông Starmer. Hiện tại, Anh và EU đã có Thỏa thuận Thương mại và Hợp tác (TCA), nhưng Thủ tướng Anh muốn thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ hơn, mà không tái gia nhập thị trường chung hay liên minh thuế quan, cũng như không khôi phục quyền tự do đi lại.

Có hai vấn đề chính: TCA vốn đã rất toàn diện, nên muốn cải thiện thêm, Anh sẽ phải điều chỉnh một số quy định để đảm bảo sân chơi bình đẳng theo yêu cầu của Brussels. Điều này có thể khiến London mất đi phần nào quyền tự chủ trong chính sách. EU cũng có những yêu cầu riêng. Ví dụ, Brussels muốn tất cả công dân EU từ 18-30 tuổi được tự do sinh sống và làm việc tại Anh trong tối đa 4 năm. London muốn hạn chế đề xuất này vì lo ngại nó sẽ bị coi là một phiên bản "tự do đi lại" thu nhỏ, điều mà nhiều cử tri Anh phản đối.

Tổng thống Trump có thể mang đến cơ hội thương mại lớn cho Anh

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo. Ảnh: IRNA/TTXVN

Trong khi ông Starmer gặp nhiều rào cản với EU, quan hệ thương mại với Mỹ lại có tiềm năng rộng mở hơn. Hiện tại, Anh không có thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ, điều này có nghĩa là ông Starmer và ông Trump có nhiều cơ hội để đàm phán ngay từ đầu.

Theo Emanuel Adam, Giám đốc điều hành của tổ chức British American Business, Anh đang ở vị thế tốt nhất để đạt thỏa thuận với Mỹ, trong khi một thỏa thuận Mỹ-EU vẫn còn xa vời. Tuy nhiên, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở việc giảm thuế.

Trong quá khứ, ông Trump đã yêu cầu Anh đi theo chính sách đối phó với Trung Quốc của Mỹ, bao gồm cấm nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, siết chặt kiểm soát đầu tư ra nước ngoài... Ông có thể tiếp tục yêu cầu Anh thực hiện các biện pháp này.

Đáng chú ý, Anh và Mỹ đã bắt đầu đàm phán một thỏa thuận thương mại từ năm 2020, vào cuối nhiệm kỳ đầu của ông Trump và thời kỳ của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Tuy nhiên, quá trình này đã đình trệ dưới thời Tổng thống Joe Biden, người tập trung vào các mục tiêu chiến lược toàn cầu hơn là các hiệp định thương mại song phương.

Anh không muốn phải lựa chọn giữa Mỹ và EU

Thủ tướng Starmer khẳng định ông muốn giữ quan hệ tốt đẹp với cả EU và Mỹ. "Cả hai mối quan hệ này đều rất quan trọng với chúng tôi và tôi không muốn phải lựa chọn giữa họ", ông phát biểu trong một cuộc họp báo tại Brussels.

Trên thực tế, chưa ai buộc Anh phải chọn phe. Câu hỏi của phóng viên BBC không phải là “Anh sẽ chọn Mỹ hay EU?”, mà là “Liệu Thủ tướng Starmer có sẵn sàng điều chỉnh chính sách ‘tái thiết’ EU để làm hài lòng Trump hay không?”. Có thể có một số căng thẳng giữa hai ưu tiên này, nhưng theo Emanuel Adam, chính phủ Anh đang tích cực tìm cách cân bằng lợi ích giữa hai bên.

"Hiện tại, chính phủ Anh đang nghiên cứu kỹ lưỡng các lựa chọn mà họ có", Adam nói. Thủ tướng Starmer sẽ phải tìm ra cách cân bằng đúng đắn và đưa ra quyết định quan trọng trong mối quan hệ tay ba đầy phức tạp này.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo euractiv)
Tổng thống Trump sẽ công bố chính sách thuế quan 'có đi có lại' trong tuần tới
Tổng thống Trump sẽ công bố chính sách thuế quan 'có đi có lại' trong tuần tới

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ công bố chính sách thuế quan mới trong tuần tới, theo nguyên tắc đối ứng với mức thuế mà các quốc gia khác áp dụng đối với hàng hóa Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN