Thực tế rằng đây hầu như là cuộc tấn công đầu tiên của IS tại Oman, một trong những quốc gia ổn định nhất ở Trung Đông, đang làm dấy lên lo ngại tổ chức này có thể tìm cách trở lại sau khi bị liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh bật khỏi các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria từ năm 2019.
Theo thông tin mới được Cảnh sát Hoàng gia Oman cập nhật, 3 tay súng thực hiện vụ tấn công nhằm vào đền thờ Hồi giáo Ali bin Abi Talib ở khu vực Wadi al-Kabir, thủ đô Muscat, đều là công dân Oman. Cảnh sát Oman xác định 3 tay súng là anh em, chịu ảnh hưởng bởi những tư tưởng lệch lạc. Cả 3 đã bị bắn hạ khi quyết liệt chống trả lực lượng an ninh.
Sau khi vụ việc xảy ra, IS đã nhận các đối tượng thực hiện vụ tấn công là những "kẻ tấn công liều chết" của tổ chức này. Từ đầu năm đến nay, tổ chức đã nhận thực hiện các cuộc tấn công ở Nga và Iran, gây nhiều thương vong đồng thời cho biết đang hoạt động ở Afghanistan.
Trong vài năm nay, IS không thừa nhận thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào ở Bán đảo Arab cho đến khi xảy ra cuộc tấn công ở Oman. Theo giới quan sát, mọi hoạt động khủng bố nhằm vào các nước sản xuất dầu mỏ Arab và vùng Vịnh như Oman đều làm dấy lên lo ngại ở Mỹ và khu vực vốn từ lâu đã coi các nhóm chiến binh Hồi giáo là mối đe dọa lớn. Dư luận cũng lo ngại cuộc tấn công ở Oman có thể châm ngòi cho các cuộc tấn công theo kiểu “sói đơn độc” từng gây ám ảnh ở nhiều nước phương Tây.
Oman có dân số người Hồi giáo theo dòng Shi'ite nhỏ nhưng có ảnh hưởng. Giống như các quốc gia vùng Vịnh khác, Oman cũng có lực lượng lao động nước ngoài lớn và đóng vai trò đáng kể.