Miền Nam nước Mỹ chật vật ổn định cuộc sống sau thảm họa bão lốc xoáy giữa đại dịch COVID-19

Cộng đồng cư dân tại các bang miền Nam nước Mỹ ngày 14/4 bắt đầu công việc dọn dẹp đống đổ nát bị bỏ lại sau cơn bão kèm theo một loạt lốc xoáy chết người quét ngang vào cuối tuần qua.

Chú thích ảnh
Một ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn sau khi cơn lốc xoáy quét ngang thành phố Monroe, bang Louisiana ngày 12/4. Ảnh: Reuter

Theo Washington Post, nhiệm vụ này bây giờ lại càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết trước mối đe dọa từ virus SAR-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Bão lớn cùng hơn chục cơn lốc xoáy đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 30 người, và khiến trên một triệu gia đình sống trong cảnh mất điện. Tại Nam Carolina, đường quét qua của lốc xoáy dài 257 km, xấp xỉ chiều rộng của toàn bang. Trong khi đó, tại Mississippi, 11 người đã thiệt mạng trong hai cơn lốc xoáy song song.

Trước đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành, các bang này cũng đang áp dụng những biện pháp phòng dịch riêng như yêu cầu người dân cách ly trong nhà, thực hiện “giãn cách xã hội”. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là đối với hàng trăm gia đình mất nhà sau cơn bão, giờ họ phải sống hay cách ly như thế nào?

“Điều này giống như một thảm họa kép đối với cộng đồng chúng tôi vậy”, ông Chuck Espy - Thị trưởng thành phố Clarksdale (bang Mississippi) cho biết 47 ngôi nhà trong thành phố đã bị phá hủy. Chính quyền các bang Alabama, Georgia, Louisiana và Mississippi ngày 13/4 phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm đối phó với bão, các cơn lốc xoáy dữ dội, lũ quét và mưa đá lớn.

Mặc dù vậy, chính quyền các bang này cùng các tổ chức tình nguyện vẫn tỏ ra loay hoay trước bài toán cứu trợ mùa dịch. Họ lo sợ các nhân viên cứu trợ dễ có nguy cơ mắc COVID-19 và lây lan dịch bệnh cho cộng đồng tại nhà.

Video thiệt hại nặng nề tại miền Nam nước Mỹ sau cơn bão lốc xoáy ngày 12/4 (nguồn: Guardian):

Ngày 13/4, Thống đốc bang Louisiana ông John Bel Edwards đã đi kiểm tra khắc phục hậu quả những khu vực thiệt hại nặng nề sau cơn bão, song không dừng xe cũng như ra ngoài vì phòng ngừa đại dịch.

Ông cho biết rất khó khăn để ra quyết định giữ khoảng cách – mặc dù ông đã có khẩu trang và không có triệu chứng. Ông giải thích mình sinh sống tại khu vực phía Nam của bang, nơi ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 hơn, nên không muốn gây nguy hiểm cho những người dân sống tại khu vực được kiểm tra. Ông chia sẻ đây là lần đầu tiên trong hơn 4 năm đảm nhiệm vị trí thống đốc phản ứng trước thảm họa thiên nhiên mà ông lựa chọn không gặp gỡ các nạn nhân.

“Giải quyết những thiệt hại nặng nề sau cơn bão trong một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng quả thực là điều vô cùng khó khăn”, Thống đốc Edwards phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi kiểm tra hiện trường. May mắn chỉ có ít người bị thương nên những bệnh viện vốn dĩ đã oằn mình chống dịch COVID-19 không phải đối mặt với làn sóng bệnh nhân mới từ cơn bão.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát tại công viên Deer Park tại Chatsworth, bang Georgia sau cơn lốc. Ảnh: AP

Đối với những người bị mất nhà sau cơn bão kèm lốc xoáy, nỗi lo COVID-19 giờ tạm thời bị thay thế bằng nỗi lo về thiệt hại tài sản.

“Kể từ khi chuyện này xảy ra, tôi không nghĩ nhiều về virus nữa. Bạn phải nhận viện trợ, sẽ có rất nhiều người xung quanh… Rất khó để nghĩ về COVID-19 khi còn phải lo lắng về những việc như này”, Charlie Collins chỉ vào ngôi nhà bị tốc mái và hai chiếc xe của gia đình anh bị nghiền bẹp dưới đống đổ nát.

15 tình nguyện viên của tổ chức Tìm kiếm và Cứu hộ Pinnacle có trụ sở tại Walker, bang Louisiana đã đến Soso, bang Mississippi đem theo cưa đốn cây, mái che cho nhà và mặt nạ N95 cho người dân khu vực.

Người sáng lập Jon Bridgers cho biết nhóm của anh đang học cách làm tình nguyện trong thời COVID-19. “Mối đe dọa từ virus SARS-Cov-2 luôn hiện hữu trong suy nghĩ của chúng tôi, nhưng khi nói đến giải cứu, cứu sống người và cố gắng giúp đỡ lẫn nhau, thì bạn sẽ không lo lắng về dịch bệnh nhiều như bình thường nữa”, Jon bày tỏ.

Bảo Hà/Báo Tin tức
San Francisco – thành phố chống dịch ‘kiểu mẫu’ tại Mỹ
San Francisco – thành phố chống dịch ‘kiểu mẫu’ tại Mỹ

Những hành động sớm và quyết liệt của nữ Thị trưởng London Breed đã giúp kiểm soát dịch COVID-19, đưa San Francisco trở thành hình mẫu quốc gia trong “làm phẳng đường cong” dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN