Người ta đã được nghe nhiều về những tuyên bố của Mỹ liên quan đến khủng hoảng Ukraine với điểm nóng ở Crimea. Trước mốc thời gian trưng cầu dân ý tại bán đảo này ngày 16/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng đe dọa Nga “sẽ phải trả một giá đắt” nếu phớt lờ yêu cầu của Mỹ về việc công nhận và hòa hoãn với chính phủ mới ở Kiev. Còn Tổng thống Barack Obama thì cảnh báo, “sẽ có cái giá” cho những hành động của Nga ở Ukraine và Crimea.
Rốt cục, Crimea tách khỏi Ukraine và trở về với “đất mẹ Nga” và những phản ứng của Mỹ cho đến giờ mới chỉ là những lời khoa trương, ngoại trừ việc lập ra một danh sách ngắn những quan chức Nga, Ukraine thuộc diện bị cấm vận đi lại, phong tỏa tài sản.
Mỹ sẽ lại tìm cách gây sức ép đối với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad? Ảnh: AP |
“Mất mặt” ở Crimea, rất có thể chính quyền Obama sẽ hướng tầm nhìn về phía Syria. Những chuyển động mới nhất trong 48 giờ qua cho thấy, Mỹ sau “thất bại” ở Crimea có thể sẽ dồn sự bực dọc của mình vào Syria - cơn giận dữ vốn từng được ngăn lại để không biến thành một cuộc tấn công quân sự sau việc Syria chấp thuận giải giáp vũ khí hóa học hồi tháng 9/2013.
Ngày 18/3, tức là chỉ vài ngày sau khi được bổ nhiệm là đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Syria, ông Daniel Rubenstein đã có những tuyên bố, hành động rốt ráo. Ông nói rằng sẽ có những bước đi cứng rắn chứng minh Mỹ sẽ bước vào một giai đoạn “năng động” mới trong vấn đề Syria. Minh chứng cho điều này, đặc phái viên Mỹ cho biết Washington cho đóng cửa tất cả các hoạt động ngoại giao của Syria trên đất Mỹ. Nguyên văn tuyên bố của ông Rubenstein là: “Xem xét những hành động tội ác chống lại người dân Syria mà chính quyền Assad phạm phải, chúng tôi đã quyết định không chấp nhận bất kì một cá nhân nào do chính quyền đó bổ nhiệm thực thi các hoạt động ngoại giao và lãnh sự trên đất Mỹ”. Theo đó, Washington chính thức yêu cầu chính phủ Syria dừng ngay mọi hoạt động của Đại sứ quán ở Washington, cùng các lãnh sự quán tại Troy (bang Michigan) và Houston (Texas).
Dường như guồng máy ngoại giao Mỹ đã không còn làm công tác ngoại giao nữa, mà chuyển sang dẫn dắt việc “quy hàng” hay ném bom trong vấn đề Syria. Thông qua các tài khoản cá nhân mạng xã hội, quan chức ngoại giao Mỹ thay nhau đưa ra những bình luận “gây sức ép” nhằm vào Syria. Ông Kerry viết: “Chúng tôi cảm thấy rằng đại sứ quán Syria ở Washington với các đại diện ngồi đây là sự xúc phạm. Vì thế, chúng tôi đóng cửa”. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thì ngầm bình luận về cái chết của lãnh đạo Libya Gaddafi với câu nói: “Chúng ta đến, chúng ta xem, ông ta chết” (mượn lại lời Julius Caesar: “Chúng ta đến, chúng ta xem, chúng ta chinh phạt"). Sự xuất hiện của Rubenstein trong vai trò mới làm chiến dịch “thay đổi thể chế” của Mỹ nhằm vào Syria có thêm sức sống. Ông ví Tổng thống Bashar al-Assad là người giống Saddam và Gaddafi, đồng thời cam kết “Mỹ sẽ tiếp tục trợ giúp những người tìm kiếm sự thay đổi ở Syria".
Cứng rắn và gia tăng sức ép với Syria là cách để Mỹ “trả đòn” đối với Nga, đồng thời lấy lại thể diện trước các đồng minh. Đây là điều quan trọng, vì Israel, nước thân cận nhất với Mỹ, cũng đã lên tiếng chỉ trích sự “yếu đuối” của chính quyền Obama trong các diễn biến vừa qua ở Ukraine và Syria. Tờ Haaretz ngày 19/3 dẫn lời bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya’alon nói rằng: Việc Mỹ không quyết liệt theo đuổi vai trò cảnh sát toàn cầu thực sự là lời mời gọi chủ nghĩa khủng bố, “nếu bạn ngồi và đợi ở nhà, chủ nghĩa khủng bố sẽ đến... Nếu bạn xuất hiện với hình ảnh nhu nhược, thế giới sẽ chẳng coi trọng gì. Sẽ không ai thay thế Mỹ ở cương vị cảnh sát toàn cầu. Tôi hy vọng, Mỹ hiểu rõ điều đó. Nếu không, nó sẽ làm thay đổi trật tự thế giới mà ở đó Mỹ sẽ là người chịu thua thiệt”.
Hoài Thanh (Tổng hợp)