Martin Frankel – Dục vọng, lòng tham và vụ lừa đảo 200 triệu USD

Martin Frankel – Dục vọng, lòng tham và vụ lừa đảo 200 triệu USD:Kỳ 1: Mầm mống lừa đảo

Marty thời còn là học sinh (ảnh nhỏ)

Martin Frankel hồi nhỏ thường được gọi là Marty. Marty sinh ngày 21/11/1954, là con thứ hai trong ba người con của thẩm phán Leon Frankel ở hạt Lucas, Toledo, bang Ohio (Mỹ). Marty luôn cho rằng mối quan hệ của mình với bố mẹ là bất hạnh và lừa dối. Điều này nhiều khả năng không đúng sự thật vì Marty hay có thói quen bịa đặt có mục đích.

Thời nhỏ, Marty tỏ ra là một đứa trẻ sáng dạ, luôn nổi bật với thành tích học tập ở trường nhưng lại không hòa nhập về mặt xã hội. Marty luôn cho mình thông minh hơn người khác và chính điều đó khiến Marty bị bạn bè xa lánh. Marty hầu như chẳng học hành gì mấy nhưng lại luôn có điểm số xuất sắc. Cậu có thể kiếm được điểm cao ngon ơ mà chả mấy hao tổn công sức học hành. Do đó, ngay từ bé, Marty đã hình thành tư tưởng thích hưởng thành quả mà không cần làm việc.

Một vấn đề nữa mà Marty gặp phải khi còn đi học và ám ảnh mãi về sau này là Marty rất sợ các bài kiểm tra, thi cử. Khi học tại Đại học Toledo, Marty liên tục bị trượt trong các kỳ thi. Chứng sợ thi cử ngày càng trầm trọng và cuối cùng, Marty phải bỏ học sau hai năm với gần 200 giờ học chưa hoàn thành.

Marty khi đã trưởng thành.


Sau khi bỏ học, Marty thử buôn bán bất động sản nhưng không thành công. Sau đó, anh ta bắt đầu quan tâm đến thị trường chứng khoán. Nhận thấy rằng các thị trường tài chính là nơi có thể giúp mình giàu có nhanh chóng, Marty vùi đầu học mọi thứ có liên quan đến môi giới chứng khoán. Marty thường dành cả ngày quanh quẩn ở những công ty môi giới chứng khoán, học cách quyết định thời điểm mua bán chứng khoán của những người giao dịch tại đây. Càng nghiên cứu nhiều về tài chính, Marty càng đinh ninh rằng đây chính là tấm vé dẫn đến giàu sang của mình.

Kiến thức về thị trường chứng khoán tăng dần nhưng đạo đức và lương tâm của Marty ngày càng suy đồi. Marty ngày càng hâm mộ Robert Vesco - kẻ đã gây ra một trong những vụ lừa đảo và chiếm đoạt lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Giữa những năm 1980, Martin Frankel quyết định thực hành những kiến thức mình gom góp được tại Công ty môi giới chứng khoán John F. Schulte, một công ty nhỏ ở Toledo mà Marty đã dành phần lớn thời gian để thu lượm kiến thức. John Schulte và vợ Sonia là những người quản lý công ty này. Công ty này có mối quan hệ với Công ty Dominick & Dominick ở New York.

Vợ chồng ông John và bà Sonia Schulte cùng hai con gái.


Đóng giả là khách hàng của bà Sonia, Marty đã len lỏi vào công việc kinh doanh và cả cuộc hôn nhân của Schulte. Ngày nào Marty cũng bỏ ra vài giờ để nói chuyện với bà Sonia xinh đẹp về các chiến lược tài chính, những lĩnh vực của nghề môi giới chứng khoán. Anh ta còn đề cập đến cả những căng thẳng trong cuộc hôn nhân của bà Sonia với ông John.

Với tài ăn nói, Marty đã gây ấn tượng với cả bà Sonia và ông John bằng vốn kiến thức thị trường chứng khoán và một hệ thống mà anh ta tuyên bố là có thể xác định được những cổ phiếu có khả năng sinh lời cao. Dưới áp lực từ vợ, ông John đã thuê Marty làm nhà phân tích chứng khoán từ tháng 1/1986.

Dần dà, ông John bắt đầu nhận ra rằng mình đã sai lầm khi thuê Marty. Vẫn thói kênh kiệu từ thời đi học, Marty cho rằng mình ưu việt hơn tất cả nhân viên khác nên không bao giờ tuân theo quy định ăn mặc của công ty. Marty khiến John giận dữ khi đến làm việc với chiếc quần jeans và áo sơ mi thể thao thay vì cà vạt và bộ complê nghiêm chỉnh. John nhận ra rằng Marty thực sự không biết giao dịch cổ phiếu. Anh ta không thể dự báo được tình hình mà chỉ có thể giải thích được những gì đã diễn ra.

Ted Bitter, một người bạn của John, đã bị những lời nói của Marty mê hoặc. Ông ta đã giao toàn bộ tiền tiết kiệm cho Marty với niềm tin rằng hệ thống giao dịch của Marty sẽ mang lại cho ông một khoản tiền lớn khi về hưu.

Mặc dù ba hoa về các chiến lược đầu tư nhưng Marty không đủ can đảm tiến hành các giao dịch để xem hệ thống của mình có thực sự sinh lời hay không. Điều này cũng tương tự như chứng loạn thần kinh khiến anh ta không dám đi thi khi còn đi học. Anh ta sợ cái thiên tài mà anh ta tự tạo ra cho mình sẽ bay biến khi kết quả đầu tư lộ ra. Dù Marty là một nhân viên môi giới không mang lại doanh thu nhiều cho công ty nhưng ông John vẫn phải chịu đựng vì chưa đủ lý do để sa thải anh ta.

Và cái lý do sa thải cuối cùng cũng đến. Một lần, Marty giấu ông John tự nhận mình là đại diện được ủy quyền của Công ty Dominick & Dominick để thực hiện một vụ gian lận. Khi biết chuyện, ông John đã đuổi việc Marty. Ông tin rằng nhân viên môi giới vô giá trị này sẽ biến mất khỏi đời ông mãi mãi nhưng ông đã nhầm. Mãi về sau, ông John mới nếm trải những thiệt hại về kinh doanh và uy tín mà Marty gây ra cho mình.

Thùy Dương

Đón đọc kỳ 2: Hành trình lừa đảo

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN