Màn đấu dằng dai

Sáng 18/1, Triều Tiên xác nhận đã phóng hai tên lửa dẫn đường chiến thuật trong vụ thử tiến hành một ngày trước đó nhằm kiểm tra độ chính xác của hệ thống vũ khí này. Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, Bình Nhưỡng đã liên tiếp tiến hành 4 vụ phóng thử tên lửa ra vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vụ phóng thử tên lửa dẫn đường chiến thuật của Triều Tiên ngày 17/1/2022. Ảnh: KCNA/TTXVN

Trong 3 vụ trước, diễn ra các ngày 4/1, 11/1 và 14/1, Triều Tiên sau đó tuyên bố tiến hành thử nghiệm thành công hai tên lửa dẫn đường chiến thuật và 2 tên lửa siêu vượt âm. Giới phân tích nhận định những màn "phô trương sức mạnh" của Triều Tiên từ đầu năm tới nay nhằm chuyển tải thông điệp cả quân sự lẫn chính trị, trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không đạt bước tiến cụ thể nào kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức cách đây 1 năm.

Loạt 4 vụ phóng tên lửa nêu trên được cho là nằm trong kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia của Bình Nhưỡng, đồng nghĩa với  tăng cường năng lực tự chủ nhằm giải quyết những thách thức bên trong và bên ngoài cản trở sự tiến bộ của đất nước, như lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại  Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên diễn ra tháng 1/2021.

Trong thông điệp nhân Năm mới 2022, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đề cập đến quyết tâm tiếp tục củng cố năng lực quân sự của nước này trong bối cảnh an ninh có nhiều bất ổn trên bán đảo Triều Tiên và tình hình quốc tế. Trên thực tế, năm 2021, sau Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên, nước này đã thực hiện ít nhất 8 vụ phóng tên lửa, trong đó có vụ thử nghiệm tên lửa được phóng từ tàu ngầm hồi tháng 10/2021. Ngay tại lễ duyệt binh mừng thành công Đại hội, Triều Tiên đã trình diễn nhiều vũ khí tối tân, trong đó có cả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Bên cạnh đó, giới quan sát cho rằng giống như những lần phóng tên lửa trước đây, Triều Tiên có vẻ đang dùng các các vụ thử vũ khí nhằm thu hút sự chú ý và tăng cường vị thế. Ngay sau vụ phóng mới của Triều Tiên ngày 17/1, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Seoul, Giáo sư Cho Han-Bum, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc, đánh giá ý định của Triều Tiên không chỉ là tăng cường khả năng phòng thủ để tự vệ mà còn muốn gây sức ép đối với liên minh Hàn Quốc và Mỹ, nhất là khi tiến trình đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang "giậm chân tại chỗ". Theo chuyên gia Shin Beom-chul thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Hàn Quốc: “Các vụ phóng này nhằm tối đa hóa các tác động chính trị”.

Nhìn lại năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Biden, có thể nói việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên dường như không phải là ưu tiên đối ngoại hàng đầu của chính quyền Mỹ. Dù từng tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên, song chính quyền Tổng thống Biden hầu như không có động thái nào thúc đẩy đàm phán hay nhượng bộ những yêu cầu của Bình Nhưỡng, trước hết là yêu cầu dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Thậm chí, ngay sau vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa ngày 11/1, Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 6 quan chức Triều Tiên có liên quan tới chương trình phát triển tên lửa của nước này. Bởi vậy, không ít ý kiến cho rằng 2  vụ thử tên lửa tiếp đó của Triều Tiên (ngày 14/1 và 17/1) là nhằm phản ứng với lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

Về phía Hàn Quốc, mặc dù kêu gọi cải thiện quan hệ liên Triều và hai bên cũng đã nối lại đường dây nóng quân sự từ tháng 10 năm ngoái, song Seoul dường như cũng có cách tiếp cận khá cứng rắn sau các vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Hàn Quốc tỏ ý ủng hộ Mỹ thúc đẩy các lệnh trừng phạt bổ sung của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng khi cho rằng Washington dường như nhằm tạo ra phản ứng thống nhất từ cộng đồng quốc tế trước những hành động gần đây của Bình Nhưỡng. Hồi tháng 9 năm ngoái, ngay sau một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Hàn Quốc cũng đã phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, trở thành nước thứ bảy trên thế giới sở hữu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) tự sản xuất, sự kiện mà phía Triều Tiên tuyên bố “ có thể dẫn tới đổ vỡ trong quan hệ hai bên”.

Hàn Quốc và Mỹ cũng tiếp tục các cuộc tập trận thường niên, vốn bị Bình Nhưỡng phản đối và coi là hoạt động diễn tập nhằm chuẩn bị tấn công Triều Tiên. Năm ngoái, ngay sau khi Hàn Quốc và Mỹ kết thúc cuộc tập trận chung mùa Xuân thường niên vào cuối tháng 3, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa, là vụ phóng đầu tiên của nước này kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.

Trong khi đó, Triều Tiên nhiều lần khẳng định chìa khóa để thiết lập mối quan hệ mới giữa nước này và Mỹ, cũng như nối lại đàm phán hạt nhân là Washington phải từ bỏ "chính sách thù địch" đối với Bình Nhưỡng, trong đó có việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Những diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên khiến giới chuyên gia Mỹ cho rằng có rất ít, hoặc hầu như không có cơ hội diễn ra đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng trong năm nay do cả hai bên đều không đưa ra nhượng bộ đáng kể nào. Ông Harry Kaziani - Giám đốc Trung tâm lợi ích quốc gia, có trụ sở tại Washington, đánh giá cơ hội đàm phán Mỹ - Triều Tiên "còn thấp hơn cả 0” vì chính quyền Tổng thống Biden không có “biên độ chính trị” để nhượng bộ trong khi Bình Nhưỡng cũng không muốn đàm phán trong thế yếu.

Cùng quan điểm trên, ông Frank Aumm, chuyên gia về Đông Bắc Á tại Viện Hòa bình của Mỹ, nhận định "có rất ít khả năng diễn ra đàm phán với Triều Tiên, cũng như đạt được tiến triển về phi hạt nhân hóa trong năm nay” do quan điểm cứng rắn từ cả hai bên. Chuyên gia này cho rằng cách tiếp cận của Washington nhằm răn đe và gây áp lực không thích hợp để giảm căng thẳng, ngăn chặn khủng hoảng trong tương lai. Theo ông, Mỹ cần áp dụng cách tiếp cận tích cực hơn để nhanh chóng can dự với Triều Tiên, bất kể Bình Nhưỡng có đang phát triển các hệ thống vũ khí mới hay không. Tuy nhiên, theo ông, Mỹ dường như sẽ khó có thể thực hiện các bước đi như vậy, đặc biệt khi vấn đề Triều Tiên có lẽ không phải là ưu tiên đối ngoại của Tổng thống Biden.

Trong khi đó, Giáo sư Cho Han-Bum cho rằng quan hệ liên Triều sẽ ở vào tình thế vừa thù địch vừa hợp tác. Về nguyên tắc, Hàn Quốc phản đối các hành động thử tên lửa của Triều Tiên, nhưng phản ứng cứng rắn của Hàn Quốc có giới hạn. Phía Hàn Quốc sẽ phải nỗ lực tập trung vào lôi kéo Triều Tiên quay trở lại đàm phán và đối thoại hòa bình đồng thời cảnh báo Triều Tiên kiềm chế các hành động khiêu khích. Tuy nhiên, việc Hàn Quốc chuẩn bị bầu cử tổng thống (dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 3/2022) trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ là yếu tố chi phối.

Các chuyên gia dự báo nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm hồi sinh tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5 tới sẽ khó thành công. Việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên và khuyến khích các nước khác cùng tham gia đồng nghĩa với việc chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Moon Jae-in không còn cơ hội để giúp cải thiện mối quan hệ Mỹ-Triều đang bế tắc. Các chuyên gia Hàn Quốc lo ngại rằng những nỗ lực của Hàn Quốc nhằm kéo Triều Tiên trở lại bàn đàm phán bằng cách thuyết phục Mỹ đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 hiện đang mất đi ý nghĩa đối với giới chức ở cả Washington và Bình Nhưỡng.

Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tiếp tục các vụ thử tên lửa như một chiến thuật gây sức ép với Mỹ, song điều này khó có tác động tới tiến trình đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thực tế thì cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều không thông báo có thiệt hại gì sau 4 vụ phóng của Triều Tiên từ đầu năm tới nay. Trong khi đó, các chuyên gia đánh giá Mỹ có thể duy trì nguyên trạng với Triều Tiên, miễn là Bình Nhưỡng không thể hiện mối đe dọa trực tiếp đối với Washington. Nhiều khả năng màn đấu dằng dai không đi tới ngã ngũ theo kiểu "dền dứ" giữa hai bên sẽ tiếp tục và đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vì thế ít có cơ hội đạt tiến triển.

Bạch Dương (TTXVN)
Triều Tiên xác nhận phóng thử hai tên lửa dẫn đường chiến thuật
Triều Tiên xác nhận phóng thử hai tên lửa dẫn đường chiến thuật

Sáng sớm 18/1, Triều Tiên xác nhận nước này đã phóng hai tên lửa dẫn đường chiến thuật trong vụ thử tiến hành một ngày trước đó nhằm kiểm tra độ chính xác của hệ thống vũ khí này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN