Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, hai ứng cử viên tổng thống tiềm năng nói trên đã trình bày chi tiết những kế hoạch của họ đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng trong cuộc trả lời phỏng vấn bằng văn bản với Câu lạc bộ Hàn-Mỹ, một nhóm nhà báo và cựu nhà báo Hàn Quốc sinh sống tại Mỹ. Các cuộc trả lời phỏng vấn này được thực hiện vào đầu tháng này và được công bố trên tạp chí hàng quý của câu lạc bộ vào ngày 17/1.
Ông Lee Jae-myung nêu rõ: "Giải pháp tốt nhất là giảm các lệnh trừng phạt có điều kiện và hành động đồng thời theo giai đoạn", đề cập tới việc sử dụng một cơ chế mà theo đó, các lệnh trừng phạt sẽ được khôi phục trong trường hợp Triều Tiên không thực hiện những nghĩa vụ phi hạt nhân của họ. Nếu Triều Tiên có những hành động phi hạt nhân, sẽ có "các biện pháp giảm trừng phạt tương ứng theo các giai đoạn". Chính khách này cũng bác bỏ ý kiến Hàn Quốc triển khai hạt nhân hoặc tái giới thiệu các vũ khí hạt nhân chiến lược hay bước vào một hiệp định chia sẻ hạt nhân như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Dương. Theo ông, những khái niệm như vậy "không thực tế, thiếu trách nhiệm và nguy hiểm".
Trong khi đó, ông Yoon Suk-yeol đồng quan điểm phản đối việc trang bị vũ khí hạt nhân cho quân đội Hàn Quốc hoặc thỏa thuận chia sẻ hạt nhân giữa Hàn Quốc và Mỹ, cho rằng Triều Tiên có thể sử dụng chúng làm tiền đề để biện minh cho việc sở hữu vũ khí hạt nhân của mình và biến các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa thành các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân. Ông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác với Mỹ và cộng đồng quốc tế trước các nguy cơ từ Triều Tiên.
Ngoài ra, ứng cử viên Lee Jae-myung cho biết nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ tìm kiếm một "trạng thái thực tế" trong tiến trình thống nhất hai miền Triều Tiên dựa trên nguyên tắc “chung sống và cùng thịnh vượng”, coi đây là một mục tiêu ngắn hạn và thực tế hơn.
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, trong chuyến thăm tới quận biên giới Goseong, cách Seoul 160 km về phía Đông Bắc, ứng cử viên Lee Jae-myung khẳng định: "Mục tiêu thống nhất được quy định trong hiến pháp là đúng, nhưng trong tình trạng hiện nay, khả năng trực tiếp theo đuổi thống nhất như một mục tiêu ngắn hạn là rất thấp". Do vậy, ông cho rằng cách đúng đắn để giải quyết vấn đề này là đặt ra mục tiêu trước mắt đạt đến một "trạng thái thực tế không khác gì thống nhất" bằng cách hướng tới sự chung sống và thịnh vượng chung thông qua việc tăng cường giao lưu và trao đổi liên Triều.
Ông cũng cho biết đang có một số ý kiến kêu gọi đổi tên Bộ Thống nhất Hàn Quốc thành “Bộ Hợp tác liên Triều” hoặc “Bộ Hợp tác hòa bình” để phản ánh mục tiêu ngắn hạn nói trên và ông đang xem xét đề xuất đó.