Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường bền vững Malaysia, ông Nik Nazmi Nik Ahmad, cho biết các container sẽ được gửi trả lại quốc gia xuất xứ. Ông không cung cấp thông tin chi tiết về nơi xuất xứ, song cho biết số hàng trên có liên quan đến một nhóm nhập khẩu bất hợp pháp.
Phát biểu với báo giới sau khi kiểm tra các container bị tịch thu tại Port Klang, phía Tây thủ đô Kuala Lumpur, ông Ahmad cho biết: “Nhóm này sử dụng tài liệu giả để nhập khẩu rác thải”.
Các vụ thu giữ nói trên được thực hiện nhờ thông tin từ tổ chức Mạng lưới hành động Basel (BAN), có trụ sở tại Seattle (Mỹ), nhằm ngăn chặn việc đổ rác thải độc hại của các quốc gia công nghiệp hóa, giàu có.
Thống kê cho thấy hàng chục triệu tấn rác thải điện tử được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm và nhiều thiết bị, đồ dùng bị loại bỏ có thể làm rò rỉ kim loại nặng, nhựa và các hóa chất độc hại khác. Nhiều quốc gia, trong đó có Malaysia, đã cấm nhập khẩu rác điện tử, mặc dù việc vận chuyển bất hợp pháp vẫn còn là một vấn đề.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), trong năm 2022, thế giới đã thải ra 62 triệu tấn rác điện tử và chỉ gần 25% trong số này được tái chế. Nhiều quốc gia giàu có gửi rác thải điện tử ra nước ngoài, đặc biệt là tới các quốc gia nghèo hơn vì giá rẻ hơn và giúp đáp ứng các mục tiêu tái chế. Tuy nhiên, điều này làm tăng rủi ro về sức khỏe và môi trường ở những quốc gia nhập khẩu.
Malaysia đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ việc nhập khẩu rác thải điện tử bất hợp pháp trong những năm gần đây. Bà Mageswari Sangaralingam, thành viên nhóm môi trường Friends of the Earth, cảnh báo quốc gia Đông Nam Á này đang ngày càng trở thành "bãi rác thải nhựa và điện tử từ các nước giàu".