Malaysia tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer cho chương trình tiêm chủng

Ngày 15/7, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba cho biết nước này đã có đủ số lượng vaccine cho chương trình tiêm chủng quốc gia. 

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Adham Baba cho biết tới nay, nước này đã nhận 12 triệu liều vaccine Sinovac, đủ để tiêm cho 18,75% dân số và sẽ ngừng sử dụng vaccine này khi hết nguồn cung. Ông cho biết thêm Malaysia sẽ tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech.  

Tháng 2/2021, Chính phủ Malaysia thông báo đã đảm bảo có được 66,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 32 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech và 12 triệu liều vaccine Sinovac. Ngày 27/5 vừa qua, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo Khairy Jamaluddin cho biết Malaysia sẽ mua thêm 12,8 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, nâng tổng số liều vaccine của Pfizer/BioNTech lên 44,8 triệu liều, đủ để tiêm cho 70% dân số nước này.

Cùng ngày, Điện Kremlin thông báo nước này chưa có kế hoạch phê duyệt vaccine nước ngoài bất chấp tỉ lệ tiêm chủng chậm và số ca tử vong tăng trong làn sóng dịch bệnh thứ 3 ở nước này.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, Nga - nước sản xuất vaccine Sputnik V mà chưa được Liên minh châu Âu (EU) công nhận, không tiến hành thảo luận với EU về "sự công nhận lẫn nhau" đối với vaccine ngừa COVID-19. Ông Peskov cho biết nước này  tự sản xuất đủ vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho người dân. 

Ngoài vaccine Sputnik, Nga đã phê duyệt 3 loại vaccine khác là EpiVacCorona, CoviVac và Sputnik Light - phiên bản của Sputnik V với 1 mũi tiêm duy nhất. 

Đến nay, vaccine Sputnik đã được 67 nước trên thế giới cấp phép sử dụng, trong đó có Belarus, Armenia, Venezuela, Iran, Argentina, Brazil, Ấn Độ, Pakistan...

Giới chức y tế Nga cho biết nước này có thêm 791 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 146.069 ca trong tổng số 5.882.295 ca bệnh (bao gồm 25.293 ca mắc mới).

Cùng ngày, 500.000 triệu liều vaccine Pfizer đã bắt đầu được chuyển từ Mỹ để tới Jordan trong nỗ lực mới nhất của Mỹ giúp các nước vượt qua được đại dịch. 

Một quan chức Nhà Trắng cho biết dự kiến số vaccine Pfizer này sẽ tới Jordan vào ngày 17/7.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Jordan đến nay ghi nhận 9.855 ca tử vong do COVID-19, với số ca tử vong ở mức cao nhất là vào tháng 3 vừa qua. 

Chính phủ Mỹ đã cam kết viện trợ 2 tỉ USD cho COVAX, cơ chế đảm bảo công bằng vaccine COVID-19 toàn cầu. Ngoài ra, nước này đã dành 80 triệu liều vaccine để phân phối cho các nước trên thế giới. Hiện, Mỹ đang mua 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech để viện trợ cho Liên minh châu Phi và 92 nước nghèo.

Hà Ngọc - Minh Châu  (TTXVN)
Người dân Australia ngày càng tin tưởng vào vaccine
Người dân Australia ngày càng tin tưởng vào vaccine

Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn kết quả của cuộc khảo sát do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) thực hiện vào tháng 6 vừa qua cho thấy sự tin tưởng của người dân nước này vào vaccine ngừa COVID-19 ngày càng tăng khi nhiều người cho biết sẵn sàng đi tiêm chủng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN