Thông tin trên được ông Noor Hisham Abdullah chia sẻ thông qua đồ họa trên tài khoản Twitter cá nhân có dẫn nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ với kết luận rằng việc đeo hai khẩu trang có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phơi nhiễm COVID-19. Ông cũng đồng thời khẳng định rằng mặc dù không nhất thiết phải sử dụng kết hợp khẩu trang với tấm nhựa che mặt, nhưng việc đeo hai khẩu trang sẽ giúp bảo vệ người dùng tối đa.
Theo một thông tin đồ họa khác mà Tiến sỹ Noor Hisham Abdullah chia sẻ, một chiếc khẩu trang y tế không có nút thắt sẽ ngăn chặn được 56,1% hạt bụi, khẩu trang vải ngăn chặn được 51,4%. Tỷ lệ này ở khẩu trang y tế có nút thắt là 77% và khi đeo hai khẩu trang là 85,4%. Theo infographic, người dân nên kết hợp sử dụng cả khẩu trang y tế và khẩu trang vải để có sự bảo vệ gấp đôi và tránh đeo hai chiếc khẩu trang cùng loại.
Thông tin đồ họa khác cũng cho thấy, với khẩu trang N95, người dùng sẽ không cần phải đeo hai chiếc vì loại khẩu trang này “đạt tiêu chuẩn vàng” khi nó có thể bịt kín mặt và lọc tới 95% số hạt bụi.
Tình hình dịch bệnh tại Malaysia vẫn diễn biến phức tạp. Trong ngày 28/5, nước này đã ghi nhận thêm 8.290 ca mắc mới COVID-19, lần đầu tiên vượt mốc 8.000 ca/ngày và là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Cùng ngày, Malaysia cũng ghi nhận 61 bệnh nhân tử vong, tương đương mức kỷ lục của ngày 24/5. Tới nay, Malaysia có tổng số 549.514 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 2.552 người đã tử vong.