Jang Song-thaek trên phiên tòa quân sự đặc biệt hôm 12/12/2013. Ảnh: THX |
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 13/12/2013 đưa tin Jang Song-taek, nhân vật quyền lực số 2 ở nước này, đã bị tử hình vì nhiều tội danh, trong đó có việc “công khai cũng như ngấm ngầm cản trở quá trình tiếp nhận quyền lực” của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Hơn 2 năm trôi qua sau ngày Jang Song-taek bị xử tử bằng chó săn như tin của tờ Văn hối của Hong Kong (Trung Quốc) hay theo truyền thông Nhật Bản là bằng súng máy rồi sau đó là súng phun lửa để “không còn vết tích Jang Song-taek trên trái đất này nữa”, sự kiện Jang Song-taek một lần nữa được truyền thông xới xáo.
Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản cho biết cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) đã xây dựng chính quyền “cha truyền con nối”, nhưng tới thời ông Kim Jong-il nắm quyền, nhất là giai đoạn cuối, nhiều ẩn họa xuất hiện.
Jang Song-taek, em rể đồng thời là một tâm phúc của ông Kim Jong-il, đã nảy sinh bất đồng ý kiến với nhà lãnh đạo tối cao.
Sau đó, ông Kim Jong-il bất ngờ qua đời, con trai Kim Jong-un lên nắm quyền. Trước tiên, Jang Song-taek tìm cách loại bỏ đối thủ chính trị Ri Yong-ho vào tháng 7/2012, toàn lực nắm quyền kiểm soát nguồn tài chính quân đội rồi một tháng sau dẫn đoàn đại biểu sang thăm Trung Quốc.
Theo báo trên, Bắc Kinh sắp xếp để Jang Song-taek tại nhà khách số 18 ở Điếu Ngư Đài, nơi từng chiêu đãi hai thế hệ lãnh đạo tối cao Triều Tiên là Kim Il-sung và Kim Jong-il.
Các nhà lãnh đạo cốt cán của Trung Quốc khi đó gồm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều hội đàm bí mật với Jang Song-taek.
Trong các cuộc gặp gỡ này, Jang Song-taek không chủ nêu rõ phương châm chính sách phù hợp với mong muốn của Trung Quốc như từ bỏ vũ khí hạt nhân, mở rộng hợp tác kinh tế…, mà còn bí mật đàm phán về việc để Kim Jong-nam (con trai cả của ông Kim Jong-il) thay thế Kim Jong-un.
Tuy nhiên, nội tình vụ việc nhanh chóng bị tiết lộ, khiến ông Kim Jong-un không còn tin tưởng bàn thảo chuyện quốc sự với Jang Song-taek nữa và người tiết lộ bí mật chính là Chu Vĩnh Khang (nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc).
Năm 2015, Chu Vĩnh Khang bị đưa ra xét xử. Một trong những tội danh bị cáo buộc là tiết lộ bí mật quốc gia. Bí mật ấy chính là nội dung hội đàm bí mật giữa lãnh đạo Trung Quốc với Jang Song-taek.
Về phía Jang Song-taek, sau khi về nước, nhân vật này đã khuyên ông Kim Jong-un từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân mới có thể nhận được sự giúp đỡ chân thành của phía Trung Quốc, nhưng đã bị từ chối thẳng thừng.
Tháng 6/2013, ông Kim Jong-un lại phát hiện nguồn tài chính quân đội đang nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Jang Song-taek, càng thêm tức giận, lên kế hoạch giảm dần quyền lực của Jang Song-taek bắt đầu từ việc loại bỏ thân tín chủ chốt nhất của nhân vật này.
Cuối cùng, Jang Song-taek đã phải tra tay vào còng, ra tòa án quân sự đặc biệt và nhanh chóng đưa ra pháp trường hành quyết.