Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tự sa lầy vào cái gọi là "Catch-22" (ước muốn không thể đạt được vì những quy luật luôn chống lại nó). Họ tìm cách buộc ông Putin thay đổi quan điểm bằng cách đe dọa gây thiệt hại về kinh tế. Nhưng, vì sợ các biện pháp trừng phạt này làm tổn thương đến chính họ, EU dựa vào các doanh nghiệp đưa ra phản ứng để biện minh cho sự yếu thế và chia rẽ.Trong vài ngày qua, các quốc gia phương Tây đã tăng cường lên án Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cáo buộc Moskva đang "lừa dối và gây bất ổn" thông qua việc ủng hộ lực lượng biểu tình đòi liên bang hóa ở khu vực phía đông và nam Ukraine. Trong khi đó, G-7 (trước đây là G-8) chỉ trích Nga "không có hành động cụ thể để hỗ trợ thực hiện các hiệp định Geneva" và đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung, mà theo Ngoại Bộ trưởng Anh William Hague, sẽ là "ở mức độ nặng hơn".
Cuộc khủng hoảng Ukraine cho thấy Nga đang ở thế thượng phong so với EU. Ảnh: CNN |
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt "nặng hơn" đang bị bó hẹp lại. Chắc chắn, một vài cái tên sẽ được thêm vào "danh sách đen" kinh tế của phương Tây, nhưng có rất ít cơ hội để vòng trừng phạt mới này có thể làm tổn hại nhiều đến nền kinh tế Nga. Mặc dù phương Tây có các loại "vũ khí" tài chính có ý nghĩa trong cuộc chiến thương mại với Moskva, nhưng tại sao họ lại rất "nhút nhát" trong việc sử dụng chúng?
Theo một số báo cáo gần đây của các phương tiện truyền thông phương Tây, nền kinh tế Nga đang trong tình trạng khó khăn. Năm 2013, tăng trưởng GDP của Nga tiếp tục giảm trong 4 năm liên tiếp, xuống còn 1,3%. Trong khi đó, các nhà đầu tư đang rút vốn ồ ạt ra khỏi Nga, ước tính con số lên đến 60 tỷ USD trong mấy tháng đầu năm nay, tương đương với tổng số vốn đầu tư nước ngoài năm 2013.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) đã hạ xếp hạng phát hành nợ bằng ngoại tệ ngắn hạn và dài hạn của Nga xuống BBB-, thang đánh giá đầu tư thấp nhất. "Việc hạ xếp hạng phản ánh rủi ro mà chúng tôi nhận thấy đó là dòng vốn lớn tiếp tục rút khỏi Nga sau quý I/2014 khi thâm hụt tài khoản tài chính của Nga gần gấp đôi thặng dư tài khoản vãng lai. Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine khiến dòng tiền bốc hơi mạnh khỏi kinh tế Nga và do đó làm giảm hơn nữa triển vọng tăng trưởng của nước này”, S&P nhận định.
Moskva đã phải ngưng bán trái phiếu chính phủ và ngân hàng trung ương nước này bất ngờ nâng lãi suất lần thứ hai trong chưa đầy hai tháng để ổn định đồng ruble. Ngân hàng trung ương Nga (Bank Rossii) đã nâng lãi suất cơ bản lên 7,5%, sau lần nâng lãi suất từ mức 5,5% hồi đầu tháng 3 vừa qua, nhằm kiềm chế lạm phát, đồng thời cũng để hạn chế sức ép lên đồng ruble và ngăn chặn tình trạng rút vốn ra khỏi nền kinh tế.
Một vấn đề vốn được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là, đa số các nước châu Âu hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga. Italy và Đức đang nhập khẩu 1/3 lượng khí đốt từ Nga trong khi các nước Ba Lan và vùng Baltic dựa hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ quốc gia láng giềng của họ. Những người lạc quan cho rằng về lâu dài, cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể sẽ giúp EU tiến hành các hoạt động tái cơ cấu thị trường năng lượng trong dài hạn để hạn chế sự phụ thuộc vào Nga. Ngược lại, những người bi quan cho rằng trong tình hình hiện nay, nỗ lực cải cách để giải quyết vấn đề trên sẽ là rất xa vời.
Phần lớn các nước EU vẫn phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn cung năng lượng của Nga. Ảnh: Itar-tass |
Nhưng thách thức trong lĩnh vực năng lượng không phải là áp lực kinh tế duy nhất đối với các nhà lãnh đạo châu Âu. Các doanh nghiệp của EU đã và đang đầu tư rất cả thời gian và tiền bạc trong quan hệ với Nga trong vòng 20 năm qua và rất thận trọng với việc mất đi mối quan hệ này. Liên minh châu Âu đang là đối tác thương mại quan trọng nhất của Moskva. Giao dịch thương mại giữa Nga và EU năm 2012 đạt 373 tỷ USD, chiếm 40% tổng thương mại của Moskva trong khi giao dịch của nước này với Mỹ chỉ đạt 27 tỷ USD. Theo Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu, 300.000 việc làm ở Đức phụ thuộc vào thương mại với Nga, 6.200 công ty Đức đang hoạt động tại Nga với nguồn vốn đầu tư khoảng 27 tỷ USD.
Vì thế, không ngạc nhiên khi các công ty năng lượng như BASF của Đức, OMV của Áo, ENI của Italy và BP của Anh (chủ sở hữu 20% cổ phần của Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Rosneft) đang vận động hành lang để chống lại các lệnh trừng phạt. Cũng là điều dễ hiểu khi một số Giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn ở châu Âu, trong đó có Siemens, đã tới Moskva gặp Tổng thống Putin trong những tuần gần đây và các công ty như Adidas, ThyssenKrupp, Deutsche Post đã chỉ trích tất cả các nhà hoạch định chính sách của EU khi đưa ra các biện pháp trừng phạt với Moskva.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã tự sa lầy vào cái gọi là "Catch-22" (ước muốn không thể đạt được vì những quy luật luôn chống lại nó). Họ tìm cách buộc ông Putin thay đổi quan điểm bằng cách đe dọa gây thiệt hại về kinh tế. Nhưng, vì sợ các biện pháp trừng phạt này làm tổn thương đến chính họ, EU dựa vào các doanh nghiệp đưa ra phản ứng để biện minh cho sự yếu thế và chia rẽ.
Tổng thống Mỹ Obama đã đúng khi nhận xét rằng một số quốc gia EU đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn về các lệnh trừng phạt do tính dễ tổn thương của họ. Như vậy, đến nay, mặc dù các quốc gia lớn ở châu Âu vẫn lắng nghe những lời cảnh báo từ các tập đoàn kinh tế lớn của họ, đồng thời tiếp tục xúi dục các đối tác Đông Âu khác chống lại Nga. Trong khi nền kinh tế của EU vẫn còn yếu với vài dấu hiệu cải thiện nhằm bảo đảm sự tăng trưởng và tăng thêm thu nhập cho người dân, có vẻ như các chính trị gia châu Âu sẽ tìm cách bảo vệ các ngành công nghiệp trọng điểm của họ.
Vũ Thanh (N.I)