Đối với Zheng Jiewen (23 tuổi) – nhân viên toàn thời gian tại một công ty quảng cáo ở thành phố Quảng Châu, từ năm ngoái, tiền lương của cô đã giảm một nửa so với cách đây 2 năm.
“Tôi thực sự vô cùng sốc với thực trạng này”, Zheng chia sẻ việc mình phải ngay lập tức điều chỉnh chi tiêu với mức lương mới chỉ còn rơi vào khoảng 15.000 nhân dân tệ (52 triệu đồng). Điều đó có nghĩa là những thương hiệu xa xỉ trước đây Zheng hay mua như Louis Vuitton, Chanel hay Prada trở nên “quá sức” so với cô.
Một giáo viên tiểu học dạy toán có tên Xinxin ở Trùng Khánh chia sẻ với CNN rằng trước đây cô là một người hâm mộ trung thành của sản phẩm dưỡng da Advanced Night Repair của Estée Lauder.
Nhưng sau khi lương bị cắt giảm hơn 20% trong năm nay nguyên nhân là do vấn đề tài chính của trường mình dạy, cô đã chuyển sang các giải pháp thay thế thân thiện với ngân sách. Cô đã tìm thấy một sản phẩm có cùng thành phần chính với mức giá giảm mạnh khoảng 100 nhân dân tệ (khoảng 350.000 đồng) cho 20 ml, rẻ hơn 7 lần so với lọ 30 ml của chính hãng.
Xinxin và Zheng đều cho rằng mình may mắn khi vẫn có việc làm. Ngày 20/9, Trung Quốc công bố tỷ lệ thất nghiệp đối với những người từ 18 đến 24 tuổi, không bao gồm sinh viên, đã tăng lên 18,8% vào tháng 8. Đây là mức cao nhất kể từ khi con số này được công bố trở lại vào tháng 1. Trung Quốc đã ngừng công bố số liệu này trong vài tháng sau khi đạt mức cao kỷ lục liên tiếp vào mùa hè năm ngoái.
Laurel Gu, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Mintel có trụ sở tại Thượng Hải, nền kinh tế khó khăn đã khiến dữ liệu tìm kiếm trên mạng xã hội về mặt hàng “dupe” tăng gấp ba lần từ năm 2022 đến năm 2024.
Zheng cùng bạn bè đồng trang lứa đang chi tiêu số tiền khiêm tốn vào sản phẩm “pingti”, hay tiếng Anh là “dupe” - bản sao chất lượng cao của hàng hiệu với mức giá rẻ hơn. Một số sản phẩm “dupe” gần như không thể phân biệt được với hàng thật, trong khi những sản phẩm khác lấy cảm hứng từ thiết kế ban đầu. Theo các nhà phân tích, mức độ phổ biến của danh mục sản phẩm này đang tăng vọt khi lòng tin của người tiêu dùng ở Trung Quốc đang gần mức thấp kỷ lục.
Theo ông Gu, không giống như 10 năm trước, khi người mua sắm Trung Quốc chi rất nhiều tiền cho các thương hiệu xa xỉ phương Tây, giờ đây, người tiêu dùng ngày càng chuyển sang các lựa chọn thay thế hợp túi tiền hơn, trở thành “xu hướng phổ thông mới”.
Hàng “dupe” có giá rẻ hơn nhiều so với các đối thủ có thương hiệu. Một chiếc quần yoga Align của Lululemon có giá 750 nhân dân tệ (2,6 triệu đồng) trên trang web chính thức của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi tìm kiếm trên các trang thương mại điện tử phổ biến bao gồm Tmall, người tiêu dùng sẽ thấy hàng chục gian hàng khác, có gắn kèm tên Lulu trong cửa hàng, chào bán với những chiếc quần legging tương tự với giá chỉ 123.000 đồng và tuyên bố rằng chất lượng tương đương.
Tình yêu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc đối với hàng “dupe” trở thành mối đe doạ đối với các thương hiệu đã thành danh như Louis Vuitton. Doanh số bán hàng tại công ty chủ quản LVMH đã giảm 10% trong 6tháng đầu năm nay tại khu vực châu Á – thị trường do Trung Quốc thống trị - so với năm 2023. Thị trường đó do Trung Quốc thống trị.
Xu hướng “dupe” cũng đang góp phần làm cho tiêu dùng và doanh số bán lẻ nói chung ảm đạm, vốn đã không đạt được kỳ vọng vào tháng trước. Một loạt dữ liệu kinh tế trong suốt mùa hè đã yếu đến mức các nhà kinh tế lo ngại Trung Quốc có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% đã công bố vào tháng 3.
Ngày 24/9, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố gói biện pháp mới để phục hồi tăng trưởng bằng cách cắt giảm lãi suất chính và giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng có trong dự trữ, điều này sẽ giải phóng tiền để cho vay.