Kinh tế halal trên toàn thế giới dự kiến đến năm 2025 đạt giá trị thị trường lên tới 7,7 nghìn tỷ USD, gấp đôi mức 3,2 nghìn tỷ USD năm 2025 và cao hơn đáng kể so với mức 5,7 nghìn tỷ USD năm 2021.
Hội đồng chung các Tổ chức tài chính và Ngân hàng Hồi giáo vào năm ngoái đã công bố báo cáo cho thấy thị trường quỹ đầu tư Hồi giáo trên toàn cầu đã tăng 300% trong thập niên qua với gần 200 tỷ USD được quản lý.
Đầu tư halal là gì?
Halal là một thuật ngữ tiếng Arab, có nghĩa là “được phép”. Đầu tư halal quy định rằng giao dịch không được liên quan đến riba (lãi suất), không được đầu tư vào tài sản hoặc hàng hóa haram (bất hợp pháp) như sản phẩm thịt lợn, rượu hoặc thiết bị quân sự…, không đầu tư dựa trên gharar - các giao dịch không rõ ràng hoặc đi ngược lại với lý tưởng về chắc chắn và minh bạch trong kinh doanh.
Ông Omar Shaikh - giám đốc Hội đồng Tài chính Hồi giáo Vương quốc Anh (UKIFC) - nhận định với Al Jazeera: “Đầu tư halal về cơ bản là quản lý tiền bạc và tài chính phù hợp với đức tin của bạn. Người Hồi giáo tin rằng kiếm tiền theo cách halal tốt hơn những hình thức có hại cho xã hội và đi ngược lại đạo đức của tôn giáo”.
Bên cạnh đó, người đồng sáng lập tập đoàn tài chính Hồi giáo Ethis – ông Umar Munshi phân tích bổ sung về đầu tư halal: “Hành vi của một doanh nghiệp không được tác động xấu đến xã hội hoặc môi trường. Vì vậy, nó không chỉ tuân thủ mà còn tránh gây ra tác động tiêu cực. Ví dụ, đầu tư vào một công ty thuốc lá có thể không vi phạm luật sharia, nhưng nó không tốt cho xã hội”.
Một ví dụ về đầu tư halal là tài chính doanh nghiệp Hồi giáo, hoạt động bằng các mô hình mới về chia sẻ lợi nhuận, bảo hiểm tuân thủ luật sharia và sukuk - chứng chỉ tài chính Hồi giáo đại diện cho một phần quyền sở hữu.
Không giống như trái phiếu thông thường, nhà đầu tư sukuk nhận được quyền sở hữu một phần doanh nghiệp và sau đó nhận khoản thanh toán lợi nhuận được tạo ra theo thời gian. Các khoản thanh toán này thay cho lãi suất để đảm bảo tuân thủ luật sharia.
Lý do đầu tư halal ngày càng thu hút
Ngân hàng Goldman Sachs công bố một báo cáo vào tháng 12/2022, ước tính đến năm 2075, 5 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới khi đó là Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Pakistan và Ai Cập, sẽ có dân số theo đạo Hồi lên tới hơn 850 triệu người.
Dân số theo đạo Hồi tăng lên sẽ kéo theo nhu cầu về các sản phẩm tài chính halal. Theo Báo cáo Tình hình Kinh tế Hồi giáo Toàn cầu năm 2023 do nhóm nghiên cứu DinarStandard công bố, khoảng 25,9 tỷ USD đã được đầu tư vào các khoản đầu tư tuân thủ luật sharia trong năm tài chính 2022-23, đánh dấu mức tăng trưởng 128% so với cùng kỳ năm trước đó.
Ông Siddiq Farid, đồng sáng lập SmartCrowd, một nền tảng đầu tư bất động sản có trụ sở tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE), phân tích rằng mọi người có trình độ học vấn cao hơn và nhận thức rõ hơn về cách đồng tiền của họ tác động đến bối cảnh kinh tế xã hội trên toàn cầu.
“Họ cũng thận trọng hơn rất nhiều, do đó dẫn đến đầu tư có đạo đức hơn, với đầu tư halal là một phần quan trọng. Hình thức này đang gia tăng, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981 đến 1996) có nhận thức xã hội tốt hơn rất nhiều. Họ nhận ra chính xác tiền của họ sẽ đi đâu và nó được sử dụng như thế nào", ông Farid nói.
Ngoài ra, cơ hội đầu tư halal ngày càng nhiều và khả năng tiếp cận dễ dàng của chúng cũng được coi là lý do thúc đẩy nhu cầu tăng lên.