Theo tờ Wall Street Journal, BAE cho biết một số quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua lựu pháo M777 trong khi hoạt động sản xuất chúng hiện đang bị cắt giảm. Các yêu cầu được đưa ra sau khi các lực lượng Ukraine đã sử dụng loại pháo này để tấn công quân đội Nga trong những tháng gần đây. M777 còn được mệnh danh là "vua chiến trường" ở Ukraine.
Công ty vũ khí Anh cho biết họ hiện đang đàm phán về việc khởi động lại sản xuất M777 với Quân đội Mỹ. Theo luật pháp Mỹ, bất kỳ hoạt động mua bán vũ khí nào với nước ngoài cũng phải được sự chấp thuận của chính phủ.
Khả năng hồi sinh của lựu pháo M777 đã cho thấy cách cuộc xung đột ở Ukraine có thể định hình lại ngành vũ khí toàn cầu. Các nhà phân tích nhận định, các loại vũ khí cao cấp bao gồm Hệ thống Tên lửa Pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 của Mỹ và tên lửa chống tăng di động NLAW của Anh-Thụy Điển đã được chứng minh là rất hiệu quả ở Ukraine, có khả năng giành được các đơn đặt hàng mới. Trong khi đó, nhiều vũ khí Nga được dự báo sẽ giảm doanh số bán hàng trên thị trường toàn cầu.
Lựu pháo - một loại súng cơ động, nòng dài, từ lâu đã trở thành nền tảng của pháo binh hiện đại. Tuy nhiên, nó đã đóng một vai trò nổi bật trong cuộc xung đột ở Ukraine hơn là trong các cuộc xung đột khác gần đây như ở Afghanistan hay cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ hai ở Iraq.
Đặc biệt, hiệu suất của M777 đã được nâng cao nhờ việc sử dụng ngày càng nhiều các loại đạn dẫn đường chính xác bằng GPS, thay vì các loại đạn không dẫn đường truyền thống. M777 cũng là một trong loại pháo được chuyển giao dồi dào nhất trong các loại pháo được phương Tây cung cấp cho Ukraine, với ít nhất 170 khẩu được nhận từ Mỹ, Australia và Canada.
Lựu pháo M777 được đánh giá là dễ dàng vận hành cho quân đội và ít tốn kém hơn nhiều loại pháo tương tự khác của phương Tây. Ngoài ra, độ tin cậy và tính linh hoạt của M777 đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia và nhà phân tích quân sự.
Mark Signorelli, Phó chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh của BAE, một trong những công ty quốc phòng lớn nhất thế giới, cho biết: “Việc chứng minh tính hiệu quả và tiện ích của nhiều loại hệ thống pháo đang xuất hiện từ cuộc xung đột Ukraine”.
BAE cho biết nếu yêu cầu từ những khách mua M777 tiềm năng, bao gồm các quốc gia ở Trung Âu, trở thành đơn đặt hàng thực tế, thì có thể dẫn đến sản xuất 500 lựu pháo mới.
Dễ vận hành và ít tốn kém hơn các loại pháo tương tự, độ tin cậy và tính linh hoạt của M777 đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia quân sự. Ảnh: Reuters
“Yêu cầu không phải lúc nào cũng biến thành hợp đồng”, ông Signorelli nói và cho biết thêm, để khởi động lại dây chuyền sản xuất M777 có lãi, công ty cần ít nhất 150 đơn vị pháo được đặt hàng.
Quân đội Mỹ dự kiến sẽ không bổ sung M777 vào kho dự trữ của mình. Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đã mua hơn 1.000 khẩu pháo này, được đưa vào trang bị từ năm 2005.
M777 chủ yếu được sản xuất tại Anh nhưng thường được lắp ráp tại Mỹ và chương trình hiện đang trong giai đoạn cuối cùng với việc sản xuất các đơn đặt hàng cuối cùng cho Ấn Độ.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoảng 126 khẩu lựu pháo M777, cùng với hơn 226.000 viên đạn cho các khẩu pháo 155mm này.