Theo tờ Bussiness Insider ngày 19/7, châu Á có thể không đủ điều kiện về trang thiết bị để tiếp nhận hoàn toàn lượng dầu của Nga khi các lệnh trừng phạt của châu Âu có hiệu lực đầy đủ.
Cho đến nay, giá dầu thô đắt đỏ đã giúp Nga tăng doanh thu từ thuế xuất khẩu và giúp giảm thiểu ảnh hưởng khi thị trường đang bị thu hẹp. Giá dầu tăng vọt đã giúp Điện Kremlin tiếp tục thu về nhiều tiền.
Theo dữ liệu của Bloomberg, Nga đang thu khoảng 160 triệu USD mỗi tuần từ thuế xuất khẩu dầu thô, cao hơn khoảng 25% so với những tháng trước cuộc xung đột nhưng giảm tương đương so với mức đỉnh của tháng 4.
Theo dữ liệu của Vortexa, kể từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu, Ấn Độ đã đi từ chỗ hầu như không nhập khẩu dầu của Nga cho tới chỗ nhập gần 1 triệu thùng/ngày vào tháng trước.
Trung Quốc cũng vậy. Nước này đã tăng cường nhập khẩu một cách đáng kể, gần gấp đôi nhập khẩu dầu thô của Nga trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6. Tuy nhiên, lượng giao hàng đã giảm xuống gần 30% so với mức cao trước đây.
Kể từ giữa tháng 6, dầu thô vận chuyển qua đường biển của Nga đã giảm so với mức xuất khẩu trung bình trong 4 tuần. Lượng dầu đã giảm xuống còn 3,24 triệu thùng/ngày tính đến ngày 15/7, giảm so với bốn tuần trước đó.
Mặc dù lượng dầu Nga xuất khẩu sang châu Á chiếm hơn một nửa tổng lượng dầu xuất khẩu của Nga kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine, nhưng lượng dầu xuất sang châu Á đã đạt mức trung bình thấp nhất trong 4 tuần trong thời gian 4 tháng tính đến ngày 15/7.
Tuy nhiên, thu nhập từ dầu mỏ của Nga không bị tác động do nhu cầu toàn cầu chưa giảm. Theo các nhà phân tích, đây là điều khó có thể xảy ra trong một thời gian.
Tuần trước, dầu thô Brent đã ghi nhận mức giảm giá tuần thứ năm liên tiếp và là chuỗi giảm dài nhất trong năm. Lạm phát tăng vọt và lãi suất tăng trên toàn cầu đã làm giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu, đồng thời làm gia tăng nỗi lo suy thoái. Tất cả diễn ra trong khi thị trường năng lượng đối mặt với tình trạng hỗn loạn.
Trong khi đó, lời kêu gọi Saudi Arabia tăng sản lượng dầu mà Mỹ đưa ra không có mấy kết quả và nếu Saudi Arabia có tăng sản lượng thì cũng chỉ ở mức khiêm tốn.
Ngày 15/7, Nhà Trắng hạ thấp kỳ vọng về khả năng các cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Joe Biden với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia sẽ dẫn đến việc gia tăng sản lượng, qua đó có thể hạ giá dầu mỏ.
Phát biểu với các phóng viên trên chiếc Không lực Một khi đang trên đường tới Jeddah, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nêu rõ Mỹ mong đợi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), hoặc OPEC +, đưa ra các quyết định cụ thể trong những tuần tới về gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, theo ông, không nên mong đợi một thông báo song phương cụ thể trong chuyến thăm này.
Đầu tháng 6 vừa qua, nhóm các quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu này đã đồng ý tăng sản lượng dầu do thị trường năng lượng toàn cầu chịu sự gián đoạn từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá dầu mỏ ở Mỹ đã bắt đầu giảm, được nhiều người coi là động lực mạnh mẽ khiến Tổng thống Biden quyết định đến Saudi Arabia.
Nhà Trắng khẳng định chuyến công du này là một phần trong nỗ lực khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Mỹ ở Trung Đông. Các chuyên gia cũng cho rằng dù Saudi Arabia không có khả năng cam kết ngay lập tức về việc tăng sản lượng dầu, song lưu ý rằng các nước có thể nhất trí hợp tác nhiều hơn về an ninh năng lượng.