Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày tuyên bố độc lập của nước Cộng hòa Bôliva Vênêxuêla (5/7/1811 – 5/7/2011), phóng viên Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vênêxuêla tại Việt Nam, Jorge Rondón Uzcátegui về cuộc cách mạng Vênêxuêla và quan hệ với Việt Nam.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vênêxuêla tại Việt Nam, Jorge Rondón Uzcátegui trả lời phỏng vấn. Ảnh: Angel Bastidas |
´Thưa ngài Đại sứ, xin ngài cho biết những thành tựu quan trọng nhất của Cách mạng Bôliva dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Hugo Chavez, trong nỗ lực tiếp nối truyền thống 200 năm độc lập dân tộc của Vênêxuêla?
Cách mạng Bôliva (mang tên nhà anh hùng giải phóng châu Mỹ thế kỷ 19, Simon Bolivar - PV) đã gặt hái được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực. Trong đó, phải kể đến phẩm giá của người dân Vênêxuêla được nâng lên, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh từ 80% xuống 30%, tập trung trực tiếp vào những đối tượng khó khăn nhất, thông qua những Sứ mệnh xã hội khác nhau gồm các giải pháp trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, thị trường nhu yếu phẩm với giá cả hợp lý, cân đối lợi ích của người thổ dân và bảo tồn nền văn hóa của họ. Bên cạnh đó, Vênêxuêla còn tiến hành quốc hữu hóa ngành dầu mỏ và củng cố vị thế của mình trong Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), thực hành chính sách đối ngoại chủ quyền, rộng mở và hợp tác, trong đó tập trung chủ yếu vào quan hệ với các nước Mỹ Latinh và Caribê, với việc sáng lập Liên minh Bôliva cho châu Mỹ (ALBA), Liên minh dầu mỏ Petrocaribe và sắp tới là Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê (CELAC), ngoài ra là quan hệ với châu Phi và châu Á.
´Theo ngài, đâu là những thuận lợi và thách thức mà Cách mạng Bôliva đang trải qua, nhất là trong bối cảnh tiến tới cuộc tổng tuyển cử năm 2012?
Lợi thế lớn nhất mà Cách mạng Bôliva có được là Tổng tư lệnh, Tổng thống Hugo Chavez, người đã nỗ lực đưa mọi người dân tham gia vào công cuộc xây dựng một đất nước Vênêxuêla mới. Việc Tổng thống Hugo Chavez hoàn thành mọi cam kết trước nhân dân là một động lực quan trọng để người dân Vênêxuêla tiếp tục ủng hộ ông trong các cuộc bầu cử vào năm 2012. Mặc dù vậy, Cách mạng Bôliva vẫn phải đương đầu với những cuộc chiến thông tin mà đối thủ là những phương tiện truyền thông tư nhân, mối đe dọa thường trực của chính quyền Mỹ và những cuộc công kích của phe đối lập ở Vênêxuêla. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng Tổng thống Hugo Chavez vẫn giữ được tỷ lệ ủng hộ cao của người dân Vênêxuêla.
´Ngài Đại sứ đánh giá như thế nào về kết quả đã đạt được và tiềm năng của quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác song phương giữa Việt Nam và Vênêxuêla?Trong 5 năm qua, mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Vênêxuêla đã có những bước tiến đáng kể. Điều này được thể hiện qua nhiều cuộc gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao hai nước, sự đoàn kết tương trợ tại các diễn đàn quốc tế và sự đồng nhất quan điểm trên những vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm. Bên cạnh đó là việc thành lập các tổ chức hữu nghị, những thành tựu mà Ủy ban hỗn hợp đã đạt được và những hiệp định hợp tác được ký kết trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, kỹ thuật, giáo dục và văn hóa. Đặc biệt, phải nói đến việc hợp tác năng lượng với việc ra đời của Công ty liên doanh Petromacareo giữa Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tập đoàn dầu khí quốc gia Vênêxuêla (PDVSA) với tỷ lệ vốn tương ứng là 49% và 51%, cho sản lượng 200.000 thùng dầu thô/ngày được khai thác từ khu mỏ Campo Junin 2 thuộc vành đai dầu mỏ Orinoco, sau đó sẽ được chế xuất tại nhà máy lọc dầu của Việt Nam để phục vụ nhu cầu nội địa. Theo kế hoạch của Petromacareo, những sản phẩm đầu tiên sẽ xuất xưởng vào năm 2012. Ngoài ra, Hiệp định khai thác dầu khí còn bao gồm cả những vấn đề liên quan tới khai thác, chế biến, công nghệ và vận chuyển dầu thô.