Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin ngày 7/10 cho biết: “Chúng tôi đã đạt mức 90% người trưởng thành tiêm vaccine COVID-19, vậy bây giờ là tự kiểm soát”. Tờ Straits Times (Singapore) ngày 7/10 đưa tin đã có tổng cộng 88,8% dân số trưởng thành Malaysia tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19.
Chính phủ Malaysia trước đó thông báo lệnh cấm di chuyển liên bang sẽ được dỡ một khi 90% người trưởng thành đã tiêm đủ vaccine COVID-19. Khi di chuyển liên bang được tái khởi động, rào chắn đường sẽ bị tháo dỡ và không còn yêu cầu giấy cho phép của cảnh sát để được di chuyển liên bang.
Bộ trưởng Khairy Jamaluddin cho biết: “Chúng ta không thể chặn đường và kiểm tra từng người đã rời đi, xem họ đã tiêm vaccine COVID-19 hay chưa. Hãy để họ tự xét nghiệm. Tôi cho rằng mọi người sẽ bực bội nếu có tắc đường. Điều này không giống như bong bóng du lịch đảo Langkawi, nơi có ít người hơn và bạn có thể xét nghiệm cho họ tại sân bay. Việc kiểm tra từng người trong di chuyển liên bang là bất khả thi”. Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin đề cập đến chương trình thí điểm bong bóng du lịch đảo Langkawi dành cho các du khách đã tiêm đủ vaccine COVID-19.
Ông kết luận: “Hiện nay, khi chuyển đến giai đoạn chuyển giao của dịch, chúng ta phải thành thật và có trách nhiệm”.
Trong khi đó, Tổng giám đốc cơ quan y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah khuyến cáo người dân nên tiếp tục các biện pháp phòng ngừa: “Trong những ngày tới di chuyển liên bang sẽ được nới lỏng. Điều quan trọng là ngay với cả những người đã tiêm vaccine COVID-19 vẫn cần giữ các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay và duy trì giãn cách xã hội”.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Khairy Jamaluddin cũng cho biết Malaysia đã quyết định mua 150.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir. Ông Khairy trước đó cho biết động thái này nằm trong sự chuẩn bị của chính phủ để chuyển giao đến giai đoạn “coi COVID-19 là bệnh địa phương”.
Nhưng ông Khairy cũng nhấn mạnh rằng việc mua thuốc Molnupiravir không đồng nghĩa với vaccine COVID-19 không còn cần thiết. Ông nêu rõ: “Molnupiravir không thể ngăn ngừa lây nhiễm. Loại thuốc này chỉ có hiệu quả với những người đã mắc COVID-19. Chúng ta cần cả thuốc kháng virus và vaccine để giảm gánh nặng của COVID-19”.
Malaysia đang chứng kiến xu hướng giảm số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, vốn đạt mức cao điểm 24.599 trường hợp vào ngày 26/8. Tỷ lệ số ca dương tính trong tổng số xét nghiệm được thực hiện tại Malaysia hiện ở mức trên 5%. Trong khi đó mức cao nhất là vào 31/8 với 15,3%.