Theo trang oilprice.com, nếu dầu bị trừng phạt của Nga được chế biến trong một nhà máy lọc dầu ở một quốc gia bên ngoài Nga, dầu này sẽ trở thành sản phẩm của quốc gia đó.
Trong trường hợp này, công ty dầu khí lớn thứ hai của Nga là Lukoil đang chế biến dầu thô Nga trong nhà máy lọc dầu ở Italy và xuất khẩu sang Mỹ mà các công ty như ExxonMobil có thể mua lại mà không vi phạm lệnh trừng phạt nào.
Hầu hết lượng dầu thô đang được chế biến tại nhà máy lọc dầu Lukoil ở Sicily đến từ Nga, với tỷ lệ khoảng 93%. Đây không phải là trường hợp trước đây, nhưng các biện pháp trừng phạt dầu Nga mà Mỹ và các quốc gia khác áp đặt đã khiến dầu Nga không còn nhiều nơi để chế biến và phần lớn trong số đó đang được gửi đến đây.
Nhà máy lọc dầu của Lukhoi ở Italy đã xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng sản phẩm dầu sang Mỹ kể từ tháng 3, trong đó có xăng, naphtha, dầu hỏa, dầu diesel và dầu nặng. Con số này tương đương với lượng xăng đủ để cung cấp nhiên liệu cho 7 triệu chiếc xe, có nghĩa là người lái xe đang vô tình đổ đầy xăng và đóng góp cho nền kinh tế Nga.
Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt dầu và khí đốt Nga vào tháng 2 năm nay sau khi Nga đưa quân vào Ukraine. Tuy nhiên, công ty Lukoil hiện diện ở Mỹ đã không bị trừng phạt và tiếp tục phân phối các sản phẩm dầu ở 11 bang. Dầu đã lọc của Nga đang tiếp cận thị trường Mỹ và được các công ty Mỹ như ExxonMobil mua thông qua cảng dầu ở Baytown (Texas). Số dầu này cũng được chi nhánh thương mại Litasco của Lukoil mua. Tuy nhiên, không xác định được hết những người mua dầu và mua các sản phẩm dầu từ Italy không bất hợp pháp.
Dù vậy, nhà máy lọc dầu Lukoil ở Sicily sẽ không còn được phép nhập khẩu dầu Nga sau khi các lệnh trừng phạt năng lượng Nga của châu Âu có hiệu lực vào ngày 5/12. Điều này có thể buộc nhà máy này phải đóng cửa nếu không tìm thấy nhà cung cấp dầu thô khác.
Khi biết điều này, công ty cổ phần tư nhân Mỹ Crossbridge Energy Partners đã đề nghị mua nhà máy lọc dầu của Lukoil ở Sicily trong tháng này. Lukoil đã từ chối lời đề nghị do nghi ngờ về việc Crossbridge có thể bỏ tiền ra để mua cơ sở này hay không. Công ty kinh doanh hàng hóa Vitol dự kiến sẽ cung cấp cho Crossbridge khoản tín dụng cần thiết để đầu tư vào thương vụ trên với lãi suất tốt, hy vọng thu được lợi nhuận từ cung cấp dầu thô cho nhà máy lọc dầu này.
Nhà máy lọc dầu ISAB nói trên của Lukoil chiếm 20% công suất lọc dầu của Italy, tạo khoảng 1.000 việc làm trên đảo Sicily. Nhà máy đã phải đối mặt với những rắc rối trong những tháng gần đây khi các nhà cung cấp và ngân hàng chủ nợ không muốn làm ăn với các công ty Nga vì lo ngại các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với dầu Nga sắp có hiệu lực ở châu Âu. Chính phủ Italy đang đầu tư duy trì hoạt động của nhà máy lọc dầu này bất chấp các lệnh trừng phạt mới bắt đầu vào tháng 12. Nhà máy lọc dầu đã đề nghị khoản tiền 695,59 triệu USD từ một số ngân hàng, nhưng không thành công.
Ông Adolfo Urso, Bộ trưởng Công nghiệp Italy, đang giúp tạo điều kiện thuận lợi để bán nhà máy lọc dầu này, đảm bảo nhà máy không phải đóng cửa, cũng như khuyến khích các bên cho nhà máy vay tiền để duy trì hoạt động.
Đầu năm nay, Mỹ bàn tới việc tẩy chay Lukoil. Vào tháng 2, sau khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine, hashtag #BoycottLukoil đã trở nên phổ biến và người dân Mỹ đề nghị nước này nên tẩy chay công ty dầu mỏ Nga.
Lukoil có khoảng 230 trạm xăng ở Mỹ, hầu hết trong số đó thuộc sở hữu của các nhà nhượng quyền Mỹ cá nhân chứ không phải bản thân công ty này, có nghĩa là tẩy chay có thể sẽ gây bất lợi cho chủ doanh nghiệp Mỹ hơn là chính Lukoil.
Ông Tom Kloza, trưởng bộ phận phân tích năng lượng toàn cầu của công ty nghiên cứu IHS Markit, cho biết: “Doanh thu bán lẻ xăng dầu là một phần rất nhỏ trong doanh thu của các công ty dầu”. Điều này có thể cho thấy lý do tại sao người Mỹ tiếp tục nhìn thấy các trạm xăng của Lukoil trên khắp đất nước.
Hiện tại, Lukoil tiếp tục cung cấp cho Mỹ sản phẩm dầu Nga tinh chế nhờ vào công suất lọc dầu đáng kể ở Italy. Tuy nhiên, khi các lệnh trừng phạt của châu Âu nhằm vào dầu và khí đốt Nga có hiệu lực vào tháng 12, nguồn cung lỗ hổng này có thể chấm dứt.
Mặc dù điều này sẽ hạn chế Nga xuất khẩu dầu, nhưng cũng có thể gây tổn hại đến năng lực lọc dầu của Italy cũng như gây hạn chế nguồn cung hàng hóa dầu cho các khu vực khác trên thế giới.