Theo tờ Kyiv Post, ngày 19/8, Litva đã khởi công xây dựng một căn cứ quân sự có sức chứa tới 4.000 quân Đức nằm gần biên giới với Belarus, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2027. Khi binh sĩ Đức tới căn cứ này, đây sẽ là lần triển khai quân đội thường trực ra nước ngoài đầu tiên của quân đội Đức kể từ Thế chiến thứ hai.
Đức đã cam kết đóng quân ở Litva, một thành viên NATO và Liên minh châu Âu giáp với Nga, vào năm 2023. Litva có chung đường biên giới dài 227 km với Belarus.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ví quyết định này với việc triển khai lực lượng đồng minh ở Tây Đức trong Chiến tranh Lạnh, nhằm bảo vệ Tây Âu trước một cuộc tấn công tiềm tàng của Liên Xô cũ.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva, Raimundas Vaiksnoras ước tính nước này sẽ đầu tư hơn 1 tỷ euro (1,10 tỷ USD) trong 3 năm tới để phát triển căn cứ quân sự, đánh dấu một trong những dự án xây dựng lớn nhất trong lịch sử đất nước.
Bộ trưởng Vaiksnoras mô tả đây là "một khoản đầu tư khổng lồ" đối với một quốc gia 2,9 triệu dân với nền kinh tế chỉ bằng 1/10 quy mô của Đức. Phát biểu tại lễ ra mắt, ông nói rằng "lữ đoàn [Đức] sẽ đóng vai trò đảm bảo cho người dân của chúng tôi và là lực lượng ngăn chặn trước người Nga”.
Căn cứ ở Rudninkai, nằm gần thủ đô Vilnius và chỉ cách Belarus 20 km, sẽ đủ chỗ cho khoảng 4.000 binh sỹ, với các cơ sở bảo quản và bảo trì xe tăng cũng như các trường bắn có nhiều quy mô khác nhau. Ngoài ra, khoảng 1.000 nhân viên quân sự và nhà thầu dân sự Đức sẽ đóng quân tại các địa điểm khác ở Litva.
Tuy nhiên, mới chỉ khoảng 1/5 số tòa nhà phức hợp ở Rudninkai được ký hợp đồng xây dựng, làm dấy lên lo ngại rằng căn cứ này sẽ không sẵn sàng kịp thời.
Bộ trưởng Quốc phòng Laurynas Kasciunas nói với các phóng viên rằng Bộ của ông sẽ ký hợp đồng xây dựng những công trình còn lại trong căn cứ vào cuối năm nay, khi nhiệm kỳ của chính phủ kết thúc.
Trong khi đó, chính phủ Đức đã đề nghị quốc hội cấp 2,93 tỷ euro để đặt mua 105 xe tăng Leopard 2 A8, một phần để trang bị cho căn cứ ở Litva, theo một dự thảo ngân sách bí mật mà hãng tin Reuters xem được vào tháng 6.
Tuy nhiên, đấu đá nội bộ về ngân sách trong liên minh chia rẽ của Đức đang gây nguy hiểm cho cam kết nâng cấp quân đội của Berlin.
Về phần mình, Litva đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Để hỗ trợ các nhu cầu quốc phòng đang diễn ra, bao gồm cả việc xây dựng căn cứ, chính phủ của Thủ tướng Ingrida Simonyte đã quyết định sẽ tăng thuế trong những năm tới.