Liên minh OPEC+ có thể đổ vỡ do can thiệp của Nga ở Ukraine

Hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đang đối diện với nguy cơ đổ vỡ sau khi Nga can thiệp quân sự tại Ukraine.

Chú thích ảnh
Cơ sở dầu mỏ Khurais tại Saudi Arabia. Ảnh: Bloomberg

Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine sẽ có tác động tiêu cực đến hợp tác, điều phối trên thị trường dầu mỏ giữa OPEC và các thành viên là đối tác ngoài OPEC do Nga đứng đầu. Mô hình hợp tác thành công của trục Riyadh-Moskva-Abu Dhabi đang gặp phải trở ngại nghiêm trọng, khi các cường quốc phương Tây gây sức ép với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng với các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn tại vùng Vịnh, buộc các nước này phải từ bỏ hợp tác chiến lược với Nga.

Hợp tác kinh tế, tài chính, quân sự chiến lược được gây dựng trong vài năm qua giữa các đầu tàu khối Arab là Saudi Arabia, UAE, Ai Cập với Nga đang xuất hiện vết nứt. Trên bình diện công khai, chưa xuất hiện thông tin Mỹ, phương Tây ép các nước thuộc Arab phản đối Nga can thiệp quân sự ở Ukraine. Nhưng sau bức màn kín, chủ đề này chắc chắn được đặt lên bàn nghị sự. Washington, Brussels, London và Paris sẽ không để yên cho OPEC tiếp tục hợp tác với Nga. Vài ngày tới đây sẽ là quãng thời gian quan trọng với tương lai của OPEC+, nhất là khi Moskva tiếp tục leo thang cuộc chiến ở Ukraine.

Ở thời điểm hiện tại, tuyên bố phát đi từ thế giới Arab về khủng hoảng Ukraine mang tính ngoại giao mềm mỏng, với thông điệp chung là kêu gọi xuống thang căng thẳng, theo đuổi các bước đi ngoại giao. Nhận thấy phương Tây vẫn phải vật lộn tìm kiếm phản ứng trước can thiệp của Nga, các nước Arab còn không gian để xoay chuyển, thích ứng về đối sách.

Nhưng một khi Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đồng nhất hành động về chính trị, quân sự, đó là lúc thế giới Arab phải đưa ra lựa chọn cho mình. Chính quyền các nước phương Tây sẽ sẵn sàng theo đuổi chiến lược dài hạn với khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA), dựa trên những kết nối rộng lớn về năng lượng, đầu tư, tài sản địa chính trị. Nhưng sẽ có rất ít cơ hội để Moskva có được sự ủng hộ từ các đồng minh chủ chốt của phương Tây ở MENA.

Lựa chọn sẽ rất đặc biệt khó khăn với riêng với hai đầu tàu OPEC là Saudi Arabia và UAE. Kiểm soát chiến lược của Riyadh và Abu Dhabi trong vài năm qua trên thị trường dầu mỏ, khí đốt một phần là nhờ hợp tác với Nga. Ảnh hưởng chi phối của Nga đối với các nước thuộc không gian hậu Xô Viết đóng vai trò quan trọng trong các thỏa thuận về sản lượng khai thác của OPEC+. Khủng hoảng Ukraine mặt khác lại tạo ra nguồn lợi lớn với các nước sản xuất dầu mỏ, khí đốt tại vùng Vịnh, do giá dầu tăng. Tuy nhiên, các nhà chiến lược tại OPEC ở thời điểm này cũng sẽ phải nhìn nhận, đánh giá lại việc tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với Nga.

Hiện tại, OPEC+ phải đối mặt với nhiều vấn đề. Nổi bật nhất là công suất dư thừa bị hạn chế, khi nhiều nước thành viên hiện không thể nâng mức sản lượng như hạn ngạch được tăng thêm. Nhiều tháng qua, OPEC+ luôn nhất quán mục tiêu tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày, nhưng trên thực tế đều không đạt được, khiến thị trường bị hụt 600.000 thùng/ngày so với cam kết. Sẽ chưa thể giải quyết điểm nghẽn này trong thời gian tới, bởi thị trường dầu mỏ đã không được đầu tư đúng chuẩn thời gian qua.

Nga cũng đang phải đối mặt với khó khăn về nâng sản lượng. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng công suất dư thừa của Nga hiện chỉ ở mức 300.000 thùng/ngày. Nga đang duy trì sản lượng 10,8 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với mức 12 triệu thùng/ngày theo cam kết của OPEC+. Nếu không đạt được mốc này, ảnh hưởng của Nga trong liên mình sẽ chịu nhiều sức ép.

Theo ông Ellen Wald, học giả cao cấp tại tổ chức Atlantic Council, các thành viên OPEC trong thế giới Arab đang ở thời điểm chịu nhiều sức ép về ngoại giao. Việc duy trì thỏa thuận OPEC+ nổi lên là mối quan tâm hàng đầu. Các nước vùng Vịnh muốn giữ Nga trong liên minh, bởi nếu Moskva rời đi, toàn bộ thỏa thuận OPEC+ sẽ đổ vỡ.

Bất chấp lời kêu gọi từ Mỹ và các nước nhập khẩu dầu lớn muốn OPEC tăng nhanh sản lượng để kéo giá dầu xuống, Saudi Arabia vẫn tỏ ra kiên định về mục tiêu của OPEC+. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 27/2 khẳng định cam kết đối với thỏa thuận OPEC+ với Nga.

“Giữ yên lặng trước hành động của Nga có thể là điều tốt nhất ở thời điểm này. Nhưng cách tiếp cận thực tế đó có thể sẽ không thành nếu lãnh đạo phương Tây gây sức ép”, ông Wald nói về thế khó của Saudi Arabia, UAE và các nước thành viên OPEC trước can thiệp của Nga ở Ukraine.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Oilprice, NDTV)
Saudi Arbaia xác nhận cam kết đối với thỏa thuận OPEC+ với Nga
Saudi Arbaia xác nhận cam kết đối với thỏa thuận OPEC+ với Nga

Ngày 27/2, Saudi Arabia đã xác nhận cam kết của nước này đối với thỏa thuận OPEC+ với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN