Liên minh Mỹ - Anh thúc đẩy tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương

Tuần này, chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Anh David Cameron thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, ngoài các nội dung mang tính truyền thống như khẳng định quan hệ đồng minh chiến lược, mối quan hệ của Anh với phần còn lại của Liên minh châu Âu, tình hình tại Xyri, lãnh đạo hai nước đã dành sự quan tâm đặc biệt tới hiệp định tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương, được kỳ vọng có thể mang lại những lợi ích to lớn cho hai nền kinh tế đang chật vật trong giai đoạn hậu “bão” tài chính này.


Nghị sự tất yếu


Cuộc gặp là cơ hội để Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh đã một lần nữa khẳng định liên minh truyền thống giữa hai nước bắt nguồn từ những lợi ích và giá trị chung, không thể thiếu đối với an ninh và sự thịnh vượng của mỗi nước, và một liên minh “có một không hai”.


Người dân Mỹ hy vọng các hiệp định tự do thương mại phần nào giúp tạo thêm nhiều việc làm ở trong nước. Ảnh Internet


Hai nhà lãnh đạo cũng đã cập nhật về chương trình nghị sự mà nước Anh đã và đang chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh 8 nền kinh tế phát triển (G-8) diễn ra trong tháng tới tại Bắc Ailen, coi đây là cơ hội để các nước lớn tiếp tục cam kết thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển. Hai ông Obama và Cameron cũng thảo luận sự hợp tác tiếp tục giữa Mỹ và các nước đồng minh trong Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong cả lộ trình rút quân và an ninh của Ápganixtan sau năm 2014; coi việc thúc đẩy đối thoại giữa Ápganixtan và Pakixtan là có ý nghĩa sống còn đối với an ninh khu vực. 


Trung Đông là chủ đề được hai bên tập trung thảo luận với các nỗ lực nhằm thúc đẩy Ixraen và Palextin sớm trở lại các vòng đàm phán hòa bình, hỗ trợ các nước Trung Đông-Bắc Phi ngăn chặn tình trạng bạo lực để hướng tới dân chủ và diễn biến phức tạp tại Xyri cùng với đề xuất của Nga tìm một giải pháp hòa bình tại đây. Hai bên cũng nhất trí duy trì sức ép nhiều mặt trong lúc tiếp tục cùng nhóm P5+1 nỗ lực đàm phán nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.


Điểm nhấn nghị sự


Thúc đẩy khởi động các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được coi là điểm nhấn trong chuyến công du Mỹ lần này của Thủ tướng Cameron.


Về chủ đề này, cả Anh và Mỹ đều hết sức sốt sắng, thể hiện ở tuyên bố của cả hai nhà lãnh đạo rằng văn kiện này được hiện thực hóa sẽ giúp gia tăng kim ngạch trao đổi thương mại song phương, tạo ra thêm nhiều việc làm mà cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đang rất cần. Ông chủ tòa nhà số 10 phố Downing nhấn mạnh hiệp định này cần bao trùm tất cả các lĩnh vực và không có bất kỳ ngoại lệ nào. Trong khi, ông chủ Nhà Trắng bày tỏ hy vọng các nhà đàm phán hai bên sẽ khởi động các vòng thương lượng trong những tháng tới. Theo ông, các nền kinh tế hai bờ Đại Tây Dương đang “đứng trước những cơ hội thực sự để cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường, tạo thêm nhiều việc làm và làm cho các nền kinh tế của mình trở nên cạnh tranh hơn”.

Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và EU được đánh giá là lớn nhất thế giới và cũng là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất. Nền kinh tế hai bên hiện chiếm gần một nửa GDP và 30% thương mại toàn cầu với doanh số hàng hóa và dịch vụ trao đổi hàng ngày đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-EU sẽ thúc đẩy thương mại song phương, đồng thời có thể đóng góp thêm 180 tỷ USD vào GDP của Mỹ và EU trong 5 năm.


Không quá khó để lý giải lý do Mỹ và Anh thúc đẩy TTIP. Đây là công cụ quan trọng để tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế hai nước và củng cố hệ thống thương mại đa phương của mỗi nước trong bối cảnh châu Âu bị cuốn vào vòng xoáy nợ công trong các “mắt xích yếu” thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone), trong khi Mỹ - nền kinh tế đầu tàu thế giới - vẫn phục hồi khá mong manh sau “bão” tài chính. Với Mỹ, các hiệp định tự do thương mại nói chung và TTIP nói riêng giúp nước này đạt mục tiêu tới năm 2014 tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tạo thêm nhiều việc làm trong nước.

Giới phân tích nhận định thúc đẩy thương mại quốc tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ thứ hai này. Thực tế, chính sách này phản ánh lối tư duy thực dụng của các nhà lãnh đạo Mỹ trong bối cảnh các chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng chậm chạp như hiện nay cho tới ít nhất năm 2014, trong khi các nhà hoạch định chính sách nước này đang phải chật vật đối phó với các vấn đề về ngân sách và trần nợ công. Dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ở mức vừa phải 2,4% và 3% lần lượt trong các năm 2013 và 2014.


Còn với Anh, lý do cũng không quá khác biệt khi trong vòng 5 năm qua, nền kinh tế nước này đã suýt rơi vào suy thoái lần thứ ba với tốc độ tăng trưởng khá mờ nhạt. Số liệu do Cơ quan thống kê quốc gia Anh công bố mới đây cho biết GDP của "Đảo quốc sương mù" trong quý I/2013 tăng 0,3% so với quý trước đó. Song, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, mức tăng trưởng này chỉ mang lại sự khích lệ tâm lý, còn bức tranh toàn cảnh vẫn không có gì thay đổi. Ngoài ra, quá trình phục hồi kinh tế của Anh còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, khi thu nhập thực tế của các hộ gia đình vẫn tiếp tục giảm sút và các nhà hoạch định chính sách vẫn phải tìm cách đẩy mạnh hoạt động cho vay của ngân hàng.


Trong bối cảnh đó, một TTIP đi vào hoạt động sẽ mang những lợi ích kinh tế to lớn cho cả Mỹ và Anh.



Phương Hồ

Mỹ - Anh thảo luận mở kho dầu dự trữ
Mỹ - Anh thảo luận mở kho dầu dự trữ

Ngày 14/3, hãng Reuters dẫn các nguồn tin về cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, hai nhà lãnh đạo này đã thảo luận khả năng mở các kho dầu dự trữ chiến lược.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN