Liên hợp quốc lo ngại xung đột tại Sudan leo thang

Ngày 16/4, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) bày tỏ lo ngại về khả năng xung đột tại Sudan tiếp tục leo thang, sau khi có các báo cáo cho thấy các nhóm vũ trang đã tiến hành những hành vi tàn bạo khi chiếm trại di dời Zamzam ở Bắc Darfur.

Chú thích ảnh
Chiếc xe buýt bị phá hủy do xung đột tại thành phố Omdurman, Sudan. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Theo phóng viên tại châu Phi, OCHA nhấn mạnh cơ quan này vô cùng quan ngại về tình hình nhân đạo ở El Fasher, thủ phủ của bang Bắc Darfur, cùng khu vực xung quanh, cách trại di dời Zamzam khoảng 15 km về phía Bắc. Các đối tác địa phương đã cung cấp các báo cáo rất đáng lo ngại về hành vi tàn bạo của các nhóm vũ trang sau vụ chiếm trại di dời Zamzam. Dân thường, bao gồm cả nhân viên cứu trợ, được cho là đang bị ngăn cản không cho rời đi. Trong khi đó, những người sống sót đã phản ánh các vụ giết người có chủ đích, bạo lực tình dục và đốt phá.

Khi được hỏi về việc Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) thành lập một chính phủ song song với chính phủ ở thủ đô Khartoum của Sudan, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), bà Stephanie Tremblay cho biết điều này sẽ không đưa Sudan đến gần hơn với giải pháp cho cuộc xung đột, vốn chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại có ý nghĩa và toàn diện. Bà nhấn mạnh rằng LHQ là một cộng đồng quốc tế chung, do đó phải tìm cách giúp người dân Sudan chấm dứt thảm họa này và thiết lập các thỏa thuận chuyển tiếp có thể chấp nhận được.

Đầu tuần này, báo cáo cho biết khoảng 400.000 trong số 500.000 người ước tính sống trong trại Zamzam đã trốn chạy trước sự tấn công của các nhóm vũ trang được cho là có liên kết với RFS.

Trích dẫn các nguồn tin địa phương, OCHA nhấn mạnh người tị nạn đã di chuyển đến các khu vực bao gồm Jebel Marra và Tawila, tương ứng ở phía Tây và Tây Nam của El Fasher, khi tình hình an ninh rất bất ổn và các cuộc tấn công liên tục diễn ra.

Cơ quan này kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột bảo vệ dân thường và tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo. Họ cũng kêu gọi tăng cường hỗ trợ quốc tế để đảm bảo duy trì các dịch vụ thiết yếu và cung cấp nhân đạo cho những người dễ bị tổn thương nhất ở Sudan.

Cùng ngày, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) thông báo họ ghi nhận ít nhất 8.000 người được báo cáo mất tích tại Sudan trong năm ngoái, đồng thời cảnh báo rằng con số này chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Khi cuộc xung đột tàn khốc ở Sudan bước sang năm thứ ba, người đứng đầu phái đoàn ICRC tại Sudan Daniel O'Malley cho biết ICRC không chỉ nỗ lực tìm kiếm những người mất tích mà còn tập trung vào việc tăng cường năng lực pháp y tại Sudan để giúp xác định danh tính nạn nhân nhiều năm sau đó và đảm bảo việc chôn cất họ.

Nguyễn Tú - Minh Tâm  (TTXVN)
Cộng đồng quốc tế hối thúc chấm dứt xung đột tại Sudan
Cộng đồng quốc tế hối thúc chấm dứt xung đột tại Sudan

Cuộc xung đột ở Sudan bước sang năm thứ 3 đã trở thành một thảm họa nhân đạo, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và gây ra tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế đang tăng cường nỗ lực giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN