Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Ryabkov. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang tin RBC-Ukraine ngày 10/2, ông Ryabkov tuyên bố rằng: “Tôi không có gì để bổ sung ngoài những gì thư ký báo chí của Tổng thống (Liên bang Nga Vladimir Putin) đã nói. Hiện có một số liên hệ, nhưng tôi không có cơ sở để tiết lộ bất kỳ chi tiết nào về vấn đề này. Tuy nhiên, nhìn chung, quá trình này vẫn đang tiếp diễn”.
Cùng ngày, trang tin United24 dẫn lời ông Ryabkov cho biết thêm hiện tại chưa có cuộc gặp nào được lên lịch giữa Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Ryabkov gợi ý rằng các cuộc thảo luận có thể diễn ra khi tình hình tiến triển.
Cũng trong ngày 10/2, khi trao đổi với báo giới tại Moskva, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhắc lại tuyên bố trước đó của mình về khả năng diễn ra cuộc đối thoại giữa ông Putin và ông Trump. “Tôi không có gì để bổ sung. Tôi không thể xác nhận hay phủ nhận điều này,” ông Peskov nói.
Trước đó vào hôm 9/2, khi trả lời phóng viên trên chuyên cơ Air Force One, ông Trump cho biết Mỹ đang đạt được tiến triển, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về bất kỳ cuộc thảo luận nào với người đồng câos Putin. “Tôi không muốn nói về các cuộc trò chuyện”, ông Trump tuyên bố.
Khi được hỏi liệu ông có nói chuyện với ông Putin kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1 hay không, ông Trump đáp: “Hãy cứ nói rằng tôi đã… Và tôi kỳ vọng sẽ có nhiều cuộc trao đổi hơn nữa. Chúng ta cần chấm dứt cuộc chiến này (cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine)”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, D.C., ngày 4/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, Moskva nhanh chóng nhấn mạnh rằng các yêu cầu tối đa của Liên bang Nga – được ông Putin đưa ra vào tháng 6 năm ngoái – vẫn là điều kiện mở đầu cho bất kỳ cuộc đàm phán nào.
“Giải pháp chính trị như chúng tôi hình dung không thể đạt được theo cách nào khác ngoài việc thực hiện đầy đủ những gì Tổng thống Putin đã tuyên bố khi ông phát biểu tại Bộ Ngoại giao Nga vào tháng 6”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu trong cuộc họp báo bằng tiếng Anh tại Moskva.
“Đây là lập trường của chúng tôi, và càng sớm Mỹ, Anh và các nước khác hiểu điều này, thì giải pháp chính trị mong muốn này sẽ càng đến gần hơn với tất cả”, ông Ryabkov nói thêm.
Trong bài phát biểu ngày 14/6/2024 tại Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, ông Putin đã đưa ra các điều kiện, bao gồm: Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine phải rút toàn bộ quân khỏi bốn vùng lãnh thổ mà Liên bang Nga tuyên bố chủ quyền và đang kiểm soát phần lớn.
Về phần mình, theo hãng tin Reuters ngày 10/2, Kiev, vốn muốn gia nhập NATO và giành lại những vùng lãnh thổ đã mất nếu có thể, vào thời điểm đó đã tuyên bố rằng các điều kiện này đồng nghĩa với việc đầu hàng.
Cuộc trao đổi chính thức gần đây nhất giữa ông Putin và một Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 2/2022, với ông Joe Biden, ngay trước khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine còn sau đó các thông điệp giữa lãnh đạo hai nước được truyền tải qua các quan chức khác.
Hòa bình cho Ukraine?
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết sẽ chấm dứt chiến tranh chỉ trong một ngày. Sau đó, ông Trump cho biết ông sẵn sàng gặp ông Putin để thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, chưa có thông tin chính thức nào về một hội nghị thượng đỉnh tiềm năng giữa hai nhà lãnh đạo.
Ở cấp thấp hơn, các quan chức Mỹ cũng đã có các cuộc thảo luận với Ukraine và Liên bang Nga về việc kết thúc cuộc xung đột đẫm máu nhất châu Âu kể từ Thế chiến II.
Về phía Liên bang Nga, ông Putin tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” là cần thiết để bảo vệ người nói tiếng Nga ở Ukraine và đối phó với mối đe dọa từ khả năng Ukraine gia nhập NATO.
Thứ trưởng Ryabkov, một nhà ngoại giao kỳ cựu giám sát cả vấn đề kiểm soát vũ khí, cho biết Liên bang Nga không thấy có thay đổi đáng kể nào trong cách tiếp cận của Mỹ với Ukraine và cảnh báo rằng Moskva sẽ không chấp nhận các cuộc đàm phán theo kiểu tối hậu thư.
“Nếu không giải quyết được những vấn đề cốt lõi gây ra xung đột, thì sẽ không thể đạt được thỏa thuận nào”, ông Ryabkov nói. “Do đó, các phương án thỏa hiệp hay nửa vời không phải là con đường mà chúng tôi sẵn sàng theo đuổi”.