Theo tuyên bố từ Văn phòng thông tin thủ tướng Libya, ông Serraj đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về số vũ khí có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ được thu giữ vài ngày trước tại thành phố cảng Khoms, gần thủ đô Tripoli, đồng thời nhấn mạnh phải làm rõ vụ việc và những cá nhân liên quan đến số vũ khí này. Hai nước nhất trí mở một cuộc điều tra chung và truy tìm những đối tượng có liên quan. Trong khi đó, Ngoại trưởng Cavusoglu cho hay Ankara bác bỏ hành động buôn bán vũ khí "không đại diện cho chính sách hoặc các tiếp cận của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ" này.
Cơ quan hải quan Libya cho hay tàu chở vũ khí trên có 3.000 khẩu súng sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ, súng săn và một số khí tài khác. Trước đó một ngày, cũng tại cửa khẩu Khoms, lực lượng chức năng đã bắt giữ một tàu chở theo 2,5 triệu viên đạn sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, chính quyền Libya đã thông báo sẽ bắt đầu điều tra vụ việc và liên lạc với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ để làm rõ vụ việc.
Kể từ năm 2011, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã áp đặt lệnh cấm bán và cung cấp vũ khí cho Libya.
Libya rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị. Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar - chỉ huy lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA), hậu thuẫn. GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.