Tổng thư ký Antonio Guterres chia sẻ với báo giới kết quả tích cực từ cuôc điện đàm của ông với Tổng thống Nga, đồng thời vui mừng cho biết những thành công của Sáng kiến Biển Đen tính tới thời điểm này đã giúp cho nguồn cung lương thực và phân bón được vận chuyển từ các cảng tại Ukraine tới các nơi trên thế giới, đóng vai trò đáng kể giảm bớt giá cả lương thực toàn cầu đang tăng chóng mặt mỗi ngày, vì đứt gãy chuỗi cung kể từ khi chiến tranh xảy ra ở Ukraine.
Theo số liệu của Trung tâm điều phối chung Sáng kiến Biển Đen đặt tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), tính tới thời điểm này, đã có 129 tàu chở hơn 2,8 triệu tấn ngũ cốc rời các cảng của Ukraine tới các nước kể từ khi LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận Biển Đen được ký kết hồi tháng 7 vừa qua. Nguồn cung này đã giúp ổn định giá ngũ cốc ở nhiều nơi và giúp thế giới tránh khỏi đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, bởi Nga và Ukraine đều là các nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.
Về xuất khẩu ngũ cốc của Nga, Moskva cho biết vẫn gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, cho dù các lệnh trừng phạt này không nhằm trực tiếp vào các sản phẩm nông nghiệp.
Đại diện đàm phán thương mại của LHQ Rebeca Grynspan - Tổng thư ký Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) - khẳng định LHQ đang tích cực thúc đẩy để giảm thiểu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hàng xuất khẩu nông nghiệp của Nga, đặc biệt là xuất khẩu amoniac. Bà Grynspan khẳng định hàng nông nghiệp của Nga cũng đã rời các cảng để xuất khẩu nhờ các nỗ lực của LHQ trao đổi với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Sáng kiến Biển Đen thực sự đã cứu giúp nhiều nước tránh được nguy cơ rơi vào nạn đói, đặc biệt trong bối cảnh thế giới còn chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 và nhiều cuộc xung đột, khủng hoảng khác xảy ra ở khắp nơi. Với những nỗ lực của LHQ, đặc biệt của Tổng thư ký Antonio Guterres, rất có thể Sáng kiến Biển Đen sẽ tiếp tục gia hạn sau 120 ngày đầu tiên.