Báo cáo của UNEP đánh giá sự chênh lệch giữa việc cắt giảm thực tế hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch và những yêu cầu để đáp ứng mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Theo Hiệp định Paris, các quốc gia đã cam kết thực hiện mục tiêu dài hạn là hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình Trái Đất xuống dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và cố gắng hơn nữa để đưa mục tiêu trên xuống còn 1,5 độ C.
Trong khi giới khoa học cho rằng thế giới cần phải cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đạt được mục tiêu, các quốc gia vẫn chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào về thời điểm ngừng sử dụng than, khí đốt hoặc dầu.
Báo cáo trên đã phân tích 20 nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn. Kết quả cho thấy vào năm 2030, các nước này có kế hoạch sản xuất lượng nhiên liệu hóa thạch cao hơn 110% mức phù hợp để hạn chế nhiệt độ trái đất tăng quá 1,5 độ C. So với mục tiêu hạn chế đà tăng ở mức 2 độ C, tổng sản lượng này vẫn cao hơn 69%.
Báo cáo trên cho thấy hiện không có quốc gia nào trong số 20 nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn tuân thủ cam kết giảm sản xuất than, dầu và khí đốt để hạn chế mức tăng nhiệt 1,5°C cho trái đất.
Cũng theo báo cáo trên, 17 quốc gia đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 nhưng hầu hết vẫn tiếp tục thúc đẩy, trợ cấp, hỗ trợ và lên kế hoạch mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
20 quốc gia được phân tích chiếm 82% sản lượng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu và 73% lượng tiêu thụ. Nhóm này bao gồm Australia (Ôx-trây-li-a), Trung Quốc, Na Uy, Qatar (Ca-ta), Anh, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Mỹ.
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu toàn cầu hiện nay là gần 102 triệu thùng/ngày. Điều đó đồng nghĩa sản lượng sẽ cần giảm khoảng 14% vào năm 2030 và 69% vào năm 2050 so với mức hiện tại để phù hợp với mục tiêu 1,5 độ C.
Bản báo cáo được đưa ra trước khi Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) được tổ chức vào ngày 30/11 tại UAE. Hội nghị này sẽ là cơ hội để các Chính phủ tăng tốc hành động, duy trì mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu.