Báo cáo của UNAIDS có tiêu đề “Con đường chấm dứt đại dịch AIDS” với nội dung rằng việc chấm dứt đại dịch này là một lựa chọn tài chính và chính trị.
Giám đốc Điều hành UNAIDS Winnie Byanyima trong bản tóm tắt có nhấn mạnh: “Dữ liệu và các ví dụ thực tế trong báo cáo cho thấy rất rõ con đường đó là gì. Nó không phải là một bí ẩn. Đó là một sự lựa chọn. Một số nhà lãnh đạo đã đi theo con đường này và đang thành công”.
Theo bà Byanyima, báo cáo phân tích cách các quốc gia “đặt con người và cộng đồng lên hàng đầu trong chính sách và chương trình của họ đang dẫn đầu thế giới trên hành trình chấm dứt AID vào năm 2030”.
Bà Byanyima đề cập đến Botswana, Eswatini, Rwanda, Tanzania và Zimbabwe, những quốc gia đã đạt được các mục tiêu “95-95-95” và ít nhất 16 quốc gia khác gần đạt được tiêu chuẩn.
Tờ The Hill (Mỹ) cho biết mục tiêu “95-95-95” có nghĩa là 95% người sống với HIV biết được tình trạng của họ, 95% bênh nhân HIV được điều trị thuốc ARV và 95% người đang điều trị bằng thuốc có tải lượng virus thấp, giảm nguy cơ lây truyền.
Bà Byanyima cũng kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo tuân theo lộ trình. Bà lập luận rằng việc đối phó với HIV thành công được hỗ trợ bởi lãnh đạo chính trị mạnh mẽ, bao gồm việc tuân theo dữ liệu và bằng chứng khoa học, giải quyết bất bình đẳng, đảm bảo tài trợ và “tạo điều kiện cho các cộng đồng cùng tổ chức xã hội dân sự thực hiện vai trò quan trọng của họ trong phản ứng".
Và bà cũng lưu ý rằng đã có tiến bộ lớn ở các quốc gia và khu vực đầu tư tài chính vào việc giảm lây nhiễm HIV. Phía Đông và Nam châu Phi đã giảm 57% số ca nhiễm kể từ năm 2010. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy tài trợ từ cả các nguồn quốc tế và nội địa đều giảm vào năm 2022, với tổng số tiền là 20,8 tỷ USD. Trong khi mức cần thiết mà báo cáo đề cập là 29,9 tỷ USD vào năm 2025.
Cũng theo báo cáo này, các khoản đầu tư để giải quyết AIDS ở trẻ em đã mang lại kết quả với 82% phụ nữ mang thai và đang cho con bú nhiễm HIV trên toàn cầu có thể tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV vào năm 2022, tăng so với mức 46% của năm 2010. Kết quả là trong giai đoạn từ 2010 đến 2022 thế giới đã giảm 57% số ca nhiễm HIV mới ở trẻ em. Báo cáo cũng xem xét vai trò của các khung pháp lý và chính sách trong việc giảm thiểu đại dịch AIDS.