Phát biểu với báo giới, đại diện của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Pakistan Knut Ostby nêu rõ: "Nhu cầu (phục hồi Pakistan) ước tính vào khoảng 16,3 tỷ USD".
Trong khi đó, phát biểu qua video từ thủ đô Islamabad, người đứng đầu bộ phận LHQ tại Bộ Ngoại giao Pakistan, Syed Haider Shah, cho biết Pakistan hy vọng sẽ chi trả một nửa trong số này bằng các nguồn lực trong nước, trong khi phần còn lại là trông chờ vào các nhà tài trợ.
Dự kiến Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế tại Geneva (Thụy Sĩ) vào tuần tới với sự tham gia của quan chức hàng chục quốc gia, trong đó có cả một số nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ.
Theo các đại diện của LHQ và Pakistan, hội nghị này được tổ chức nhằm huy động nguồn tài trợ cho Pakistan trong bối cảnh quốc gia Nam Á này phải nỗ lực tái thiết đất nước sau khi các trận lũ lụt nghiêm trọng hồi năm ngoái đã tàn phá và nhấn chìm 30% diện tích lãnh thổ, cướp đi sinh mạng của hơn 1.700 người và ảnh hưởng đến hơn 30 triệu người khác.
Đặc phái viên của Pakistan tại LHQ Khalil Hashmi nhấn mạnh, hiện là thời điểm quan trọng để cộng đồng quốc tế bày tỏ tình đoàn kết với người dân Pakistan, đồng thời nhấn mạnh rằng hội nghị sẽ là khởi đầu của một quá trình kéo dài nhiều năm.
Mùa mưa tại Pakistan đã kết thúc được vài tháng, song tình hình ở nước này vẫn hết sức tồi tệ khi nước lũ chưa rút ở một số khu vực miền Nam. Đại diện UNDP Ostby cho biết nước lũ đã cuốn trôi hoặc gây hư hại nghiêm trọng ít nhất 2 triệu ngôi nhà, khoảng 13.000 km đường bộ, 3.000 km đường sắt, 439 cây cầu và 1,76 triệu ha đất canh tác. Khoảng 8 triệu người vẫn phải sống trong các khu tạm trú. Do nước chưa rút ở một số khu vực, nhiều người dân không thể quay lại sinh kế thường ngày và vẫn phải phụ thuộc vào hỗ trợ nhân đạo. Trong khi đó, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực tại Pakistan đã tăng gấp đôi lên 14,6 triệu người.
Quan chức LHQ cảnh báo rằng mặc dù lũ lụt ở Pakistan là "chưa từng có", song hình thái thời tiết cực đoan này có thể xảy ra ở các quốc gia khác.
Pakistan - quốc gia đông dân thứ 5 trên thế giới, chỉ chiếm 0,8% lượng phát thải toàn cầu nhưng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước thời tiết khắc nghiệt do tác động của biến đổi khí hậu.