Trao đổi với báo giới, người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini nêu rõ việc chỉ cho phép một số đoàn xe đi qua cửa khẩu Rafah để vận chuyển hàng cứu trợ là không đủ để đáp ứng nhu cầu của hơn 2 triệu người bị mắc kẹt ở Gaza. Ông cảnh báo hoạt động viện trợ nhân đạo cho Gaza có nguy cơ không đạt hiệu quả nếu không có quyết tâm chính trị nhằm đảm bảo việc cung cấp hàng viện trợ không gặp trở ngại và đáp ứng nhu cầu nhân đạo.
Cũng theo ông Lazzarini, chỉ trong hơn 3 tuần qua, 64 nhân viên của UNRWA đã thiệt mạng và đây là số nhân viên cứu trợ LHQ thiệt mạng cao nhất trong một cuộc xung đột chỉ trong một thời gian ngắn như vậy. Ông chia sẻ: "Các đồng nghiệp UNRWA của tôi là tia hy vọng duy nhất cho toàn bộ Dải Gaza... nhưng họ đang cạn kiệt nhiên liệu, nước, thực phẩm và thuốc men và sẽ sớm không thể tiếp tục duy trì hoạt động". Quan chức này đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.
Trong khi đó, phát biểu tại HĐBA, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh cơ quan này tin rằng "cái giá thực sự của tình trạng leo thang mới nhất này sẽ được đo bằng tính mạng của trẻ em - những đứa trẻ thiệt mạng vì bạo lực và những đứa trẻ phải chịu đựng cuộc đời của mình bị thay đổi mãi mãi vì bạo lực".
Trước đó cùng ngày, người đứng đầu UNWRA ở Dải Gaza, ông Tom White, cho biết trật tự lộn xộn đã buộc 4 trung tâm phân phối viện trợ của LHQ và 1 cơ sở lưu trữ ở Dải Gaza phải dừng hoạt động. Theo ông White, cơ sở logistics ở cửa khẩu Rafah, có vai trò quan trọng trong việc phân phối viện trợ, ngày càng trở nên khó vận hành vì có 8.000 người đang trú ẩn tại đó. Ông nhấn mạnh với tình hình trật tự dân sự bị phá vỡ, mỗi ngày có hàng trăm người tìm cách đột nhập vào kho để trộm bột mì. Người dân đang tìm cách có nước và lương thực để có thể sinh tồn.
Tuần trước, Đại hội đồng LHQ đã nhất trí thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc, trong đó kêu gọi Hamas và Israel ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, cho đến nay, HĐBA vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về bất kỳ văn kiện nào liên quan đến cuộc xung đột. Với việc các ủy viên thường trực là Mỹ, Nga và Trung Quốc dùng quyền phủ quyết đối với các nghị quyết trước đó, 10 ủy viên không thường trực của HĐBA đã bắt đầu soạn thảo một dự thảo mới với hy vọng sẽ nhận được sự đồng thuận.