LHQ: Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là sự kiện 'tồi tệ nhất trong 100 năm'

Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo Martin Griffiths ngày 11/2 mô tả trận động đất kinh hoàng vừa qua ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria là "sự kiện tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua ở khu vực này".

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường đổ nát sau trận động đất tại Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/2/2023. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Phát biểu họp báo ở tỉnh Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Griffiths đánh giá phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ trước thảm họa này là "phi thường", đồng thời bày tỏ hy vọng viện trợ ở Syria sẽ đến với cả các khu vực do chính phủ và phe đối lập kiểm soát.

Cùng ngày, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đến thành phố Aleppo bị động đất tàn phá ở Syria.

Theo Hãng thông tấn chính thức SANA của Syria, ông Tedros "đã đến sân bay Aleppo để thăm một số bệnh viện và nơi trú ẩn của người dân". Cùng đi với ông Tedros là Bộ trưởng y tế Syria và người đứng đầu thành phố Aleppo.

Phát biểu với các phóng viên tại sân bay, ông Tedros cho biết ông đã đi cùng với 37 tấn vật tư y tế khẩn cấp - chuyến hàng tiếp tế đầu tiên của WHO. 30 tấn vật tư y tế nữa sẽ đến Syria ngày 12/2. 

Ông khẳng định WHO sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ và vật tư y tế khẩn cấp để cứu chữa cho các nạn nhân bị thương trong trận động đất. Người đứng đầu WHO cũng bày tỏ lo ngại về hậu quả mà trận động đất gây ra, đặc biệt là sự gián đoạn của các dịch vụ. Ông nói: “Mọi người dễ mắc các bệnh tiêu chảy… và các vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe tâm thần".

Kể từ trận động đất xảy ra ngày 6/2, lực lượng cứu hộ và tình nguyện viên ở Syria đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những người sống sót dưới đống đổ nát bê tông của các tòa nhà bị sập do thiếu trang thiết bị, máy móc.

Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Áo Michael Bauer ngày 11/2 cho biết quân đội nước này đã đình chỉ các hoạt động cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ do "tình hình an ninh ngày càng khó khăn". 

Theo ông Michael, Đơn vị cứu trợ thảm họa Lực lượng Áo (AFDRU) đã sẵn sàng cho các hoạt động cứu hộ tiếp theo khi môi trường làm việc trở nên an toàn.     

Hãng AFP đưa tin về các cuộc đụng độ giữa những nhóm không xác định được danh tính. Binh sĩ Áo hiện đang tạm trú trong một căn cứ với các tổ chức quốc tế khác và đang chờ hướng dẫn. 

Kể từ ngày 7/2, khoảng 80 nhân viên cứu hộ thuộc Lực lượng vũ trang Áo đã tới Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng này đã giải cứu 9 người ra khỏi các đống đổ nát.

Minh Châu  (TTXVN)
Ngoại giao sau động đất có thể xoa dịu quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với một số nước
Ngoại giao sau động đất có thể xoa dịu quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với một số nước

Có ý kiến cho rằng phản ứng nhân đạo quốc tế sẽ xoa dịu mối quan hệ ngoại giao vốn căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia ở Trung Đông, Địa Trung Hải và NATO.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN