Cảnh báo trên được đưa ra trong cuộc họp HĐBA LHQ kỷ niệm 70 năm ra đời Công ước Geneva. Tại cuộc họp, các đại sứ và chuyên gia LHQ đánh giá cao việc công ước trong 70 năm qua đã ngăn chặn được các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, trường học và bệnh viện, đồng thời cũng thừa nhận tình trạng gia tăng các vụ vi phạm nghiêm trọng công ước này.
Theo các đại sứ và chuyên gia, các nhóm khủng bố đã vi phạm những giá trị tinh thần và ý nghĩa pháp lý của Công ước Geneva. Những vụ vi phạm quyền con người nghiêm trọng trong các cuộc xung đột trên thế giới cùng việc các nhóm Hồi giáo cực đoan như tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và tổ chức khủng bố Al Qaeda tấn công các tổ chức phi chính phủ, cơ sở hạ tầng dân sự và lực lượng vũ trang của nước sở tại.. là bằng chứng về tình trạng vi phạm ở quy mô lớn đối với Công ước Geneva.
Phát biểu tại cuộc họp, quyền Đại sứ Mỹ tại LHQ Jonathan Cohen cho rằng việc vi phạm công ước này được coi là những hành vi vi phạm đạo đức trong chiến tranh, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz nhấn mạnh trên thực tế, các lỗ hổng trong luật nhân đạo quốc tế đã gây trở ngại cho việc áp dụng luật này theo các mức độ khác nhau.
Công ước Geneva năm 1949 gồm 4 công ước gắn với quyền của thường dân, tù binh chiến tranh và quân nhân bị thương và bệnh tật. Những công ước này đã tạo thành nền tảng của Luật Nhân đạo quốc tế, một bộ quy tắc thiết lập các tiêu chuẩn nhân đạo tối thiểu của con người cần phải được tôn trọng trong mọi tình huống xung đột vũ trang. Các quy tắc này phản ánh sự cân bằng giữa các nguyên tắc về quân sự và nhân đạo, cấm các bên tham gia xung đột gây ra đau thương, thương tích hoặc hủy diệt không thực sự cần thiết để đạt được mục đích quân sự, đồng thời cấm các bên tham gia xung đột nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng như các trung tâm y tế hay giáo dục. Công ước Geneva phải được tất cả các bên áp dụng và tôn trọng trong mọi cuộc xung đột vũ trang, bất kể vì động cơ nào.