Lễ hội mua sắm 'Ngày Độc thân' - khởi đầu đầy cảm hứng cho toàn cầu hóa kinh tế

Trung Quốc một lần nữa ghi nhận lượng đơn đặt hàng “khổng lồ” trên toàn cầu trong đợt mua sắm lớn “Ngày Độc thân” 11/11 năm nay.

Chú thích ảnh
Trung Quốc ghi nhận lượng đơn đặt hàng “khổng lồ” trên toàn cầu trong đợt mua sắm lớn “Ngày Độc thân”. Ảnh: finance.yahoo.com

Các số liệu được công bố vào ngày 11/11 cho thấy, tính đến 12 giờ 30 phút sáng 11/11, người tiêu dùng đã chi tổng cộng 372,3 tỷ NDT (khoảng 56,3 tỷ USD) trên nền tảng thương mại điện tử Tmall của Alibaba kể từ khi lễ hội mua sắm này bắt đầu vào ngày 1/11. Trong khi đó, JD.com, một “đại gia” thương mại điện tử khác, cũng đã chứng kiến doanh số bán hàng kể từ đầu tháng 11/2020 tới nay đạt 200 tỷ NDT.

Hiệu suất bán hàng phi thường không chỉ đến từ thị trường Trung Quốc. Lễ hội mua sắm “Ngày Độc thân” còn là một sự kiện toàn cầu, cho thấy rằng Trung Quốc, với tư cách là thị trường lớn nhất thế giới, đang trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy xu hướng toàn cầu hóa kinh tế để vượt qua những “cơn gió ngược” của chủ nghĩa bảo hộ thương mại. 

Bất chấp tác động nghiêm trọng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất ghi nhận sự tăng trưởng trong năm nay khi đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc đang gia tăng, giúp họ có khả năng mua nhiều sản phẩm chất lượng cao từ các nhà cung cấp trên toàn thế giới, qua đó giúp đem lại “tia nắng” cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong “mùa đông” kinh tế ảm đạm hiện tại.

Các tập đoàn đa quốc gia, cũng như ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ, đang tăng cường sự hiện diện của họ trong ngày hội mua sắm 11/11 năm nay. Các công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc cũng đang chuyển thành các nền tảng kinh doanh không biên giới, cho thấy sự phối hợp hiệu quả của các cấu trúc thương mại trong chuỗi giá trị toàn cầu, bao gồm sản xuất, tiếp thị, logistics và thanh toán.

Giữa bối cảnh người dân Trung Quốc đang nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, sức sống của thị trường tiêu dùng Trung Quốc được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế thế giới và quá trình toàn cầu hóa trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19. Giá trị nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc ước tính đạt tới 22.000 tỷ USD trong thập niên tới.

Lễ hội mua sắm “Ngày Độc thân 2020” diễn ra chỉ một ngày sau khi kết thúc thành công Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc diễn ra từ ngày 5 - 10/11. Cả hai sự kiện này được coi là hình ảnh thu nhỏ của mô hình phát triển "tuần hoàn kép" của Trung Quốc, nơi thị trường trong và ngoài nước có thể thúc đẩy lẫn nhau, với thị trường trong nước vấn đóng vai trò trụ cột.

Sự phát triển của Trung Quốc đã được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế, và nước này đang có những đóng góp lớn trong việc xây dựng một thế giới mở. Các nhà hoạch định chính sách của nước này đặt mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành thị trường cho thế giới - một thị trường được chia sẻ bởi tất cả mọi người và mọi người đều có thể tiếp cận.

Chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại từ lâu đã tạo thêm những bất ổn và thách thức cho nền kinh tế toàn cầu. Giới phân tích nhận định rằng, đã đến lúc lấy lại niềm tin về toàn cầu hóa kinh tế, và lễ hội mua sắm “Ngày độc thân” là một khởi đầu đầy cảm hứng cho điều đó.

Minh Trang (TTXVN)
3 triệu người, 4.000 tàu hàng phục vụ ngày hội mua sắm lớn nhất thế giới
3 triệu người, 4.000 tàu hàng phục vụ ngày hội mua sắm lớn nhất thế giới

Ngày Độc thân 11/11 ở Trung Quốc chính là sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới. Ngày 11/11 năm ngoái đã ghi nhận trên 1,9 tỷ sản phẩm được bán ra. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN