Lãnh đạo EU hạ thấp triển vọng đạt được lệnh cấm vận khí đốt Nga

Ngày 31/5, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã hạ thấp triển vọng đạt được lệnh cấm vận khí đốt của Nga trong đợt trừng phạt tiếp theo, sau khi tốn khá nhiều công sức để đảm bảo một lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Moskva.

Chú thích ảnh
Hệ thống van tại mỏ khí đốt Gremikhinskoye, Nga. Ảnh: Reuters/TTXVN

Trước đó, ngày 30/5, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, qua đó nhất trí cấm vận dầu do Nga cung cấp bằng đường biển, trong khi hoạt động vận chuyển bằng đường ống sẽ tiếp tục diễn ra bình thường. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết sẽ có các miễn trừ tạm thời cho những quốc gia thành viên EU không giáp biển, chẳng hạn như Hungary và Cộng hòa Séc.

Trong ngày thứ 2 của hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nêu rõ: "Khí đốt phải nằm trong gói (trừng phạt) thứ 7 nhưng tôi cũng là người theo chủ nghĩa thực tế, tôi không nghĩ nó (khí đốt) sẽ ở gói trừng phạt đó". 

Trong khi đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho rằng vấn đề liên quan tới khí đốt hoàn toàn khác so với dầu mỏ, do vậy lệnh cấm vận khí đốt sẽ không nằm trong gói trừng phạt tiếp theo".

Về phần mình, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nêu rõ: "Đối với khí đốt, vấn đề cũng phức tạp hơn nhiều". Do vậy, ông cho rằng EU nên dừng lại để cân nhắc về tác động của lệnh cấm này. 

Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen cho rằng EU hiện đã "đi đủ xa trong việc đánh vào nhiên liệu hóa thạch của Nga" và đã đến lúc tập trung nhiều hơn vào "lĩnh vực tài chính và kinh tế".

Cùng ngày, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã được giao toàn quyền xem xét khả năng thiết lập giới hạn giá khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu với các phóng viên tại Brussels sau hội nghị thượng đỉnh EU, ông Draghi nói: “EC đã nhận được nhiệm vụ nghiên cứu tính khả thi của giới hạn giá khí đốt". 

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói với các phóng viên rằng EU phải trả tiền cho bất kỳ kết nối khí đốt tự nhiên mới nào giữa Tây Ban Nha và các nước láng giềng châu Âu nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thay thế cho khí đốt của Nga.

Theo nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, đến lượt EU chi trả cho cơ sở hạ tầng sau khi Tây Ban Nha đã đầu tư rất nhiều trong những thập kỷ qua vào năng lực bốc dỡ và tái khí hóa khí đốt hóa lỏng (LNG). Ông nói: “Chúng tôi đang nói về những năng lực được những người nộp thuế Tây Ban Nha tài trợ, mà chúng tôi sẽ cung cấp cho EU. Đến lượt EU trả tiền cho những kết nối này".

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, những quốc gia ít phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, muốn xây dựng thêm một đường ống dẫn khí đốt giữa Catalonia và Pháp để các nước này có thể tái khí hóa LNG nhập khẩu và đưa khí đốt đến Trung Âu. Một dự án tiềm năng khác đang được thảo luận là một đường ống nối Tây Ban Nha và Italy.

Dương Hoa - Minh Châu (TTXVN)
Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Đức, Đan Mạch
Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Đức, Đan Mạch

Ngày 31/5, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho công ty điện lực Orsted của Đan Mạch, cũng như hãng Shell Energy với hợp đồng cung cấp khí đốt cho Đức, sau khi những đối tác này từ chối thanh toán bằng ruble.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN