Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Các nước EU đang chạy đua để mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), một giải pháp thay thế hấp dẫn cho khí đốt của Nga vì nó có thể được vận chuyển trên tàu chở dầu, thay vì vận chuyển qua đường ống. LNG cũng là một loại nhiên liệu sạch hơn than hoặc dầu.
Tuy nhiên, theo một phân tích gần đây của công ty tư vấn Rystad Energy, nếu EU "giảm mạnh" sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga với kế hoạch giảm tiêu thụ gần 70% vào cuối năm 2022, nhu cầu toàn cầu về LNG sẽ vượt nguồn cung khoảng 26 triệu tấn vào cuối năm 2022. Con số này tương đương với gần 7% nhu cầu LNG toàn cầu trong năm 2021, tương đương khoảng 25 ngày cung ứng.
Báo cáo này cho biết châu Âu đã gây bất ổn cho toàn bộ thị trường LNG toàn cầu khi loại bỏ khí đốt của Nga.
"Cơn khát" LNG của châu Âu
Châu Âu đã tăng cường tìm kiếm nguồn cung LNG với tốc độ chóng mặt trong những tháng gần đây. Khu vực này, trong đó có Anh, đã nhập khẩu 28,2 triệu tấn LNG trong thời gian từ tháng 2 - 4/2022, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Pháp và Tây Ban Nha là các khách hàng mua nhiều nhất.
Kaushal Ramesh, nhà phân tích cấp cao về khí đốt và LNG tại Rystad Energy, nói với hãng tin CNN Business rằng khả năng thiếu hụt LNG đã trở nên rõ ràng trong tháng 3/2022 khi "EU thông báo rằng khối này sẽ tăng cường nhập khẩu LNG thêm 50 tỷ m3 so với năm 2021.
Theo dữ liệu của ICIS, ngày 26/5, giá LNG giao ngay tại Đông Á đã tăng 114% so với cùng ngày năm 2021, ở mức 22 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmbtu). Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy hoạt động buôn bán LNG toàn cầu đã tăng 6% vào năm 2021, nhờ nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch ở khu vực châu Á.
Các khách hàng có thể bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá cao hơn nữa khi nhu cầu của châu Âu tăng cao.
Giá LNG có mối liên hệ chặt chẽ với giá khí đốt tự nhiên của châu Âu được vận chuyển bằng đường ống. Giá hợp đồng khí đốt kỳ hạn của châu Âu hiện đang dao động gần 30 USD/mmbtu, giảm so với mức kỷ lục 67 USD/mmbtu trong tháng 3/2022, song giá khí đốt có thể tăng vọt lên 100 USD/mmbtu nếu Nga đột ngột cắt hoàn toàn việc cung cấp khí đốt, như nước này đã làm với Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan.
Châu Á gặp khó
CNN Business dẫn lời Ruth Liao, biên tập viên của LNG Americas, cho hay châu Á đã là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất kể từ năm 2010. Dù vậy một số khách mua trong khu vực này sẽ khó cạnh tranh với các nền kinh tế giàu có hơn ở châu Âu và giá cả hàng hóa có thể bị đẩy lên cao tới mức thị trường không thể cạnh tranh hoặc không còn có thể đem lại lợi nhuận, cho dù Nga có đột ngột ngừng cung cấp hay không.
Theo bà Ruth Liao, vẫn có rủi ro lớn trong mùa Đông tới để cân bằng nhu cầu giữa châu Á và châu Âu.
Nhà phân tích Ramesh của công ty Rystad cho biết các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do LNG được chuyển hướng sang châu Âu. Trong khi đó, Eric Heymann, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Deutsche Bank, cho hay người mua nên bắt đầu ký các thỏa thuận cung ứng dài hạn.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích Vortexa, kể từ tháng 11/2021, Ấn Độ và Pakistan đã giảm nhập khẩu LNG khoảng 15%, xu hướng này chủ yếu là do giá tăng. Do đó, Rystad Energy dự đoán nhu cầu ở châu Á có thể bị "sụt giảm vĩnh viễn", khi một số quốc gia phải tăng cường sử dụng than và dầu.
Những nước khác có thể đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. LNG được coi là một trong những nhiên liệu hóa thạch sạch nhất và là thành phần quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu được đưa ra vẫn còn trái chiều.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng LNG tạo ra ít khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính hơn đáng kể trong suốt vòng đời của nó, trong khi những nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ rò rỉ khí methane cao, thành phần chính của LNG, ở nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất.
Theo Liên hợp quốc, khí methane "đóng góp" nhiều hơn 34 lần vào sự nóng lên toàn cầu trong khoảng thời gian 100 năm so với khí C02.
Sự bùng nổ của các nhà xuất khẩu
Giá tăng cao là một lợi thế cho các nhà xuất khẩu LNG lớn, bao gồm Mỹ, Qatar và Australia.
Theo Vortexa, châu Âu đã nhập khẩu khoảng 45% LNG từ Mỹ trong hai tháng qua và Qatar đã cung cấp hơn 20% lượng LNG cho khối này.
Felix Booth, người phụ trách LNG tại Vortexa, cho hay điều gây tranh cãi đó là 13,5% LNG của châu Âu vẫn đến từ dự án LNG ở Bắc Cực của Nga.
Một loạt các dự án LNG được nối lại hoặc các dự án mới đang cố gắng tận dụng nhu cầu cấp thiết của châu Âu đối với nguồn năng lượng, trong đó có Đức, quốc gia vẫn nhập khẩu 35% lượng khí đốt từ Nga.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã công bố kế hoạch xây dựng hai thiết bị đầu cuối tiếp nhận LNG và Tập đoàn năng lượng Đức RWE đã sẵn sàng ký một thỏa thuận cung cấp với nhà sản xuất LNG của Mỹ Sempra trong vòng 15 năm.
Tuy nhiên, tiến trình hoàn tất thủ tục/thỏa thuận của các nhà sản xuất không diễn ra đủ nhanh để ngăn chặn sự thiếu hụt toàn cầu trong mùa Đông này.
Rystad Energy cho biết mặc dù nhu cầu tăng vọt đã thúc đẩy các dự án LNG mới trên toàn thế giới, mức tăng cao nhất trong hơn một thập niên qua, song để các dự án này hoàn tất, đi vào hoạt động để phục vụ nhu cầu gia tăng có thể chỉ diễn ra sau năm 2024.